Hàng nghìn người biểu tình ở Lisbon và nhiều thành phố khác trên khắp Bồ Đào Nha để phản đối giá thuê và giá nhà tăng cao, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng nhà ở khiến nhiều người gặp khó khăn.
Những người biểu tình mang theo áp phích, hô vang khẩu hiệu “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”. Đại diện Fair Life, phong trào đứng sau cuộc biểu tình, khẳng định tình hình không được cải thiện trong 2 năm vừa qua.
Cuộc khủng hoảng nhà ở tại Bồ Đào Nha bắt nguồn từ tình trạng thiếu hụt nhà ở giá rẻ trong nhiều năm. Vấn đề càng trở nên trầm trọng hơn khi chính sách cư trú liên quan đến đầu tư bất động sản và những ưu đãi thuế của quốc gia này thu hút giới nhà giàu nước ngoài. Ngoài ra, quá trình bùng nổ du lịch cũng dẫn đến sự gia tăng các kỳ nghỉ ngắn hạn, từ đó gây sức ép hơn lên thị trường nhà ở.
Mức độ khủng hoảng nhà ở được đánh giá nghiêm trọng nhất ở các thành phố hàng đầu như thủ đô Lisbon, nơi giá thuê nhà đã tăng 94% kể từ năm 2015 và giá nhà tăng vọt 186%, theo công ty dữ liệu nhà ở Confidencial Imobiliario.
Trong nỗ lực ứng phó, chính phủ trung hữu Bồ Đào Nha đã công bố gói chi tiêu trị giá 2 tỷ euro (tương đương 2,23 tỷ USD) nhằm mục đích xây dựng khoảng 33.000 ngôi nhà vào năm 2030, dành cho cho những gia đình có nhu cầu lớn nhất đang phải đối mặt với giá nhà và tiền thuê cao ngất ngưởng. Tuy nhiên, người biểu tình vẫn tỏ ra lo ngại, nhận định những chính sách và các gói biện pháp vẫn chưa thể khiến tình hình khởi sắc.
Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Miguel Pinto Luz cho biết, 10.000 ngôi nhà mới sẽ được tài trợ không hoàn lại 100% và 23.000 ngôi nhà còn lại sẽ được hưởng trợ cấp công tương đương 60% chi phí mỗi ngôi nhà.
Gói hỗ trợ mới này, được tài trợ hoàn toàn từ ngân sách, sẽ bổ sung vào số tiền hơn 2 tỷ euro đã được sử dụng để xây dựng 26.000 ngôi nhà vào năm 2026.
“Sẽ có khoảng 59.000 ngôi nhà mới vào năm 2030. Đây là khoản đầu tư công lớn nhất vào nhà ở trong những thập kỷ gần đây để bảo đảm nhà ở cho những người có nhu cầu nhất”, Miguel Pinto Luz phát biểu trước truyền thông.
Thủ tướng Luis Montenegro cũng cho biết, chính phủ trung hữu của ông cam kết giải quyết vấn đề nhà ở và gói hỗ trợ mới “sẽ không gây nguy hiểm cho ngân sách”.
Bồ Đào Nha không phải là quốc gia châu Âu duy nhất gặp vấn đề trong lĩnh vực nhà ở. Hy Lạp từng tuyên bố sẽ giảm thuế trong 3 năm đối với những chủ nhà chuyển đổi hợp đồng cho thuê ngắn hạn thành hợp đồng dài hạn, nhằm hạn chế tình trạng cho thuê với mục đích nghỉ dưỡng và giải quyết tình trạng thiếu nhà ở.
Sự bùng nổ của hoạt động cho thuê nhà ngắn hạn ở châu Âu đã thúc đẩy các điểm nóng du lịch như quần đảo Canary (Tây Ban Nha), Berlin (Đức) và Florence (Italia) phải công bố biện pháp hạn chế đối với loại hình cho thuê này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.