(HNM) - Với quyết tâm đưa nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đúng thời hạn đã cam kết, Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa tuyên bố sẽ trì hoãn lịch làm việc của Quốc hội tới ngày 14-10, tức là chậm hơn so với thông lệ 5 tuần. Động thái này lập tức vấp phải sự phản đối gay gắt của phe đối lập khi cho rằng người đứng đầu nội các Anh đang tìm cách cản trở ý định ngăn chặn Brexit không thỏa thuận vào ngày 31-10.
Giải thích lý do cho việc kéo dài kỳ nghỉ của Quốc hội, Thủ tướng B.Johnson cho rằng Chính phủ cần xây dựng một chương trình lập pháp mới, đồng thời khẳng định sẽ có đủ thời gian cho tất cả các nghị sĩ thảo luận về Brexit và các vấn đề khác. Ông B.Johnson đồng thời cảnh báo, nếu các nghị sĩ Anh tìm cách ngăn chặn hoặc trì hoãn Brexit sau ngày 31-10, điều này sẽ gây ra những tổn thất về lâu dài đối với các chính đảng lớn ở Anh cũng như niềm tin của công chúng vào nền chính trị.
Tuy nhiên, phe phản đối Brexit không thỏa thuận, hay còn gọi là Brexit “cứng”, tuyên bố việc đình chỉ Quốc hội trong 5 tuần là một nước cờ của Thủ tướng B.Johnson để các nghị sĩ bất đồng quan điểm không có đủ thời gian chuẩn bị các thủ tục cần thiết. Điều này có thể khiến Anh rời EU mà không có cam kết cũng như không có những quy định rõ ràng các khía cạnh của quan hệ Anh - EU hậu Brexit như giao dịch thương mại, quyền của công dân Anh ở EU... Đây là những nguy cơ gây chia rẽ đất nước, làm tê liệt nền nông nghiệp và một số ngành sản xuất, đẩy kinh tế Anh vào suy thoái.
Sự phản đối chính trị đối với ông B.Johnson gia tăng mạnh với một bản kiến nghị có hơn 1,3 triệu chữ ký. Nữ doanh nhân Gina Miller, người đứng đầu chiến dịch chống Brexit, đã đề nghị tòa án khẩn cấp xem xét "tác động và ý định" của kế hoạch kéo dài kỳ nghỉ của Quốc hội Anh, đồng thời cho rằng động thái này "là bất hợp pháp”... Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn, lãnh đạo đảng Tự do Jo Swinson cũng đã viết thư đề nghị được tiếp kiến Nữ hoàng Elizabeth II để bày tỏ sự phản đối. Trong khi đó, hàng nghìn người dân tập trung tại các quảng trường ở nhiều thành phố trên khắp nước Anh như: London, Manchester, Edinburgh... để bày tỏ sự bất bình với quyết định của Thủ tướng đương nhiệm.
Trong tình thế hiện tại, Brexit “cứng” hay “mềm” hoàn toàn tùy thuộc vào việc liệu EU có sẵn sàng đàm phán lại thỏa thuận đã đạt được với cựu Thủ tướng Anh Theresa May hay không. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có tín hiệu nào cho thấy các nhà lãnh đạo EU sẽ nhượng bộ, đặc biệt là vấn đề liên quan đến điều khoản "chốt chặn" về biên giới Ireland. Đây là cơ chế nhằm tránh các biện pháp kiểm soát biên giới giữa Ireland, quốc gia thành viên của EU với Bắc Ireland thuộc Anh.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jeans-Claude Junker còn khẳng định, sự ủng hộ của EU dành cho Ireland là kiên định và liên minh sẽ tiếp tục chú trọng đến lợi ích của quốc gia thành viên này. Theo ông J.Junker, EU sẽ làm mọi cách để tránh một Brexit không thỏa thuận. Song nếu kịch bản này xảy ra thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về nước Anh.
Để ngăn chặn Brexit “cứng”, lãnh đạo các đảng đối lập gồm Công đảng, đảng Dân tộc Scotland (SNP), đảng Dân chủ Tự do, đảng Xanh, đảng Plaid Cymru và đảng Dân tộc xứ Wales đang khẩn cấp phối hợp để thông qua dự luật buộc Thủ tướng B.Johnson phải tìm cách trì hoãn cuộc “chia tay” với EU, đồng thời thúc đẩy tổ chức cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm chủ nhân ngôi nhà số 10 phố Downing tại Quốc hội. Những động thái này sẽ tiếp tục đẩy chính trường nước Anh vào “trận cuồng phong” hiếm có trong lịch sử.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.