(HNM) - Sau gần 4 tháng chìm trong bế tắc, cuộc khủng hoảng hậu bầu cử tại Afghanistan vừa có lối thoát sau khi hai ứng cử viên trong cuộc đua quyết liệt vào chiếc ghế tổng thống ký kết thỏa thuận chia sẻ quyền lực.
Sự kiện cựu chuyên gia kinh tế Ngân hàng Thế giới (WB), cựu Bộ trưởng Tài chính Ashraf Ghani và cựu Ngoại trưởng Abdullah Abdullah đạt được thỏa hiệp chính trị đã tháo "ngòi nổ" chính trường, mở đường cho việc thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc tại quốc gia Nam Á này.
Hai ứng cử viên Abdullah Abdullah (trái) và Ashraf Ghani vừa ký thỏa thuận chia sẻ quyền lực. |
Cuộc bầu cử chọn người kế nhiệm Tổng thống Hamid Karzai mang ý nghĩa quan trọng, đánh dấu việc chuyển giao quyền lực một cách dân chủ lần đầu tiên tại quốc gia Nam Á kể từ khi chính quyền Taliban sụp đổ năm 2001. Thế nhưng, mọi việc đã không diễn ra như mong đợi. Căng thẳng trở nên nghiêm trọng hơn sau khi kết quả sơ bộ cuộc bầu cử vòng 2 hôm 14-6 cho thấy, ứng cử viên A.Ghani bất ngờ vượt xa đối thủ A.Abdullah - người được kỳ vọng sẽ thắng cử sau khi giành được nhiều phiếu nhất tại vòng một. Ngay sau khi kết quả được công bố, ứng viên A.Abdullah đã lên tiếng bác bỏ vì cho rằng có gian lận.
Nhằm cứu vãn tình thế, tháng 7 vừa qua Ngoại trưởng Mỹ John Kerry buộc phải vào cuộc làm trung gian hòa giải do lo ngại khủng hoảng kéo dài sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch rút hết binh sĩ quốc tế khỏi Afghanistan vào cuối năm nay cũng như khả năng bùng phát xung đột sắc tộc như từng đẩy quốc gia Nam Á vào nội chiến hồi những năm 1990. Bởi trên thực tế, ông A.Abdullah được sự ủng hộ của người Tajik và Hazara ở miền Bắc trong khi hậu thuẫn cho ông A.Ghani là người Pashtun, cộng đồng lớn nhất ở Afghanistan và sống tập trung tại miền Nam. Không những thế, phe ủng hộ ứng viên A.Abdullah từng dọa sẽ thành lập một chính phủ song song nếu không tiến hành kiểm lại toàn bộ phiếu bầu dưới sự giám sát của Liên hợp quốc (LHQ). Theo thỏa thuận "ba bên", với sự trung gian của Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry, toàn bộ 8,1 triệu phiếu bầu vòng 2 phải được thẩm tra lại dưới sự giám sát của LHQ. Và kết quả thẩm tra lại không gây bất ngờ khi ứng viên A.Ghani vẫn là người chiến thắng.
Sau một loạt bất đồng, thỏa thuận chia sẻ quyền lực vừa được ký kết mang ý nghĩa bước ngoặt hứa hẹn phá vỡ thế bế tắc đã đẩy đất nước Afghanistan rơi vào cuộc khủng hoảng quyền lực suốt gần 4 tháng qua. Theo thỏa thuận, ứng viên A.Ghani, người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vòng 2 theo kết quả sơ bộ, sẽ trở thành Tổng thống Afghanistan, trong khi ông A.Abdullah sẽ giữ chức vụ "người điều hành đứng đầu" (CEO), tương đương với vị trí thủ tướng - bởi Afghanistan hiện không có chức danh thủ tướng. Theo quy định của Hiến pháp Afghanistan, tổng thống nắm hầu hết quyền hành trong khi CEO sẽ đảm nhận chức vụ thủ tướng trong nhiệm kỳ 2 năm. Đây được coi là một thay đổi lớn về cách thức lãnh đạo mà Afghanistan áp dụng từ năm 2001.
Trong bối cảnh an ninh và triển vọng kinh tế của quốc gia Nam Á này đang ngày một xấu đi, nhiệm vụ của chính phủ mới là ổn định nền kinh tế trong bối cảnh viện trợ quốc tế giảm sút và giải quyết tình trạng bất mãn đang lan rộng khắp cả nước. Bên cạnh đó, dư luận hy vọng các nỗ lực nhằm đàm phán hòa bình với Taliban đã không đạt được kết quả dưới thời Tổng thống H.Karzai, sẽ được khôi phục khi chính phủ mới đi vào hoạt động. Một trong những thử thách lớn nhất của chính phủ mới là việc ký Thỏa thuận an ninh song phương (BSA) với Mỹ liên quan đến vấn đề liên quân do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đứng đầu có tiếp tục ở lại Afghanistan sau năm 2014 hay không - một "di sản" mà người tiền nhiệm H.Karzai đã cố ý để lại cho người kế nhiệm. Hiện NATO có tổng cộng 41.000 quân đóng tại Afghanistan, giảm mạnh so với mức đỉnh điểm 150.000 quân của năm 2010. Theo kế hoạch, nhiệm vụ của liên quân sẽ kết thúc vào cuối tháng 12-2014. Nếu như BSA được ký kết, NATO sẽ tiếp tục duy trì khoảng 12.000 quân đến năm 2015 với nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ cho lực lượng an ninh Afghanistan.
Sự kiện hai ứng viên A.Ghani và A.Abdullah bắt tay cùng chia sẻ quyền lực đang được dư luận quốc tế, đặc biệt là Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và LHQ hoan nghênh khi đánh giá đây là bước đi quan trọng hướng tới việc củng cố hòa bình, trật tự và an ninh tại Afghanistan. Dẫu vậy, không ai dám chắc tới đây trong chính phủ đoàn kết dân tộc cặp đôi này sẽ không "đồng sàng dị mộng". Không ít chuyên gia phân tích lo ngại về nguy cơ một liên minh cầm quyền được thành lập từ những đảng phái đối lập sẽ khó mà hoạt động hiệu quả. Trong đó, các vị trí then chốt trong chính phủ như quốc phòng, ngoại giao và nội vụ được dự báo có thể gây bất đồng, căng thẳng mới trên chính trường quốc gia vốn không mấy yên ả này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.