Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính sách hỗ trợ giết mổ gia súc, gia cầm tập trung: Vẫn khó tiếp cận

Ngọc Quỳnh| 31/10/2018 07:03

(HNM) - TP Hà Nội đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, tiến tới xóa bỏ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường...

Dây chuyền giết mổ gia súc hiện đại của Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín).


Chính sách chưa phát huy hiệu quả

Theo kết quả rà soát, hiện nay, trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 988 cơ sở, điểm giết mổ gia súc, gia cầm, trong đó: 7 cơ sở giết mổ công nghiệp; 23 cơ sở giết mổ tập trung bán công nghiệp; 3 cơ sở giết mổ thủ công tập trung; còn lại là giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư. Nhằm xóa bỏ cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, thành phố đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Tuy nhiên, việc thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là giết mổ công nghiệp còn hạn chế. Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, từ năm 2014 đến nay, ngân sách thành phố hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là hơn 25,6 tỷ đồng.

Theo ông Đăng, sở dĩ việc thu hút tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố hạn chế là do một số quy định quá cao, khiến doanh nghiệp không thể đáp ứng được. Đơn cử, Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ban hành ngày 19-12-2013 của Chính phủ về "Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn" quy định, nhà đầu tư phải sử dụng tối thiểu 30% lao động tại địa phương mới được hưởng chính sách hỗ trợ. Nhưng đến nay, trên địa bàn thành phố không có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung nào đáp ứng được quy định này.

Nhằm huy động nguồn lực thuộc các thành phần kinh tế đầu tư phát triển, quản lý, kinh doanh các cơ sở giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm theo hướng bảo đảm vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường..., ngày 10-6-2009, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 77/2009/ QĐ-UBND quy định "Một số chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Hà Nội". Triển khai thực hiện quyết định của UBND thành phố, đến nay các sở, ngành đã hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng công trình xử lý chất thải cho 4 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp hơn 98 tỷ đồng. Nhưng hiện nay chỉ có công trình xử lý chất thải của Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Vinh Anh ở huyện Thường Tín đang hoạt động hiệu quả, 3 cơ sở giết mổ còn lại đã dừng hoạt động do chi phí xử lý nước thải cao, vượt khả năng tài chính của doanh nghiệp.

Ngoài ra, thủ tục về đất đai, thu hút đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm cũng gặp không ít khó khăn. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan cho biết, doanh nghiệp được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê đất 20 năm, song chỉ ký hợp đồng 5 năm một lần. Sau khi hết thời hạn thuê đất, Công ty đã làm đầy đủ thủ tục nhưng từ tháng 9 đến nay vẫn chưa hoàn thành việc gia hạn thuê đất nên gặp nhiều khó khăn.

Thêm cơ chế thu hút đầu tư

Trước những khó khăn, vướng mắc nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, TP Hà Nội không nhất thiết phải đầu tư để huyện nào cũng có một cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, mà tùy vào điều kiện thực tế của địa phương và lựa chọn được nhà đầu tư rồi mới triển khai cơ sở giết mổ công nghiệp hoặc bán công nghiệp. Do điều kiện đất đai của Hà Nội khó khăn, nên doanh nghiệp không thể một lúc bỏ ra 10 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng một héc ta cho xây dựng nhà xưởng. Vì thế, thành phố nên có chính sách hỗ trợ đặc thù về lĩnh vực này để kêu gọi nhà đầu tư vào xây dựng cơ sở giết mổ tập trung; ưu tiên hỗ trợ vốn cho những cơ sở giết mổ tập trung hoạt động hiệu quả, tránh việc đầu tư dàn trải, lãng phí tiền ngân sách.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Thịnh An (huyện Thanh Trì) đề xuất, thành phố nên ưu tiên bố trí đủ quỹ đất để thuận lợi cho việc đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung theo quy hoạch. Cùng với đó, hỗ trợ doanh nghiệp nguồn vốn để đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại, khu xử lý nước thải, hạn chế gây ô nhiễm môi trường...

Từ đề xuất, kiến nghị của tổ chức, cá nhân và các địa phương, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, sẽ xem xét đề xuất cấp có thẩm quyền nghiên cứu ban hành một số quy định như: Chỉ những sản phẩm gia súc, gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, xuất xứ từ những cơ sở được cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát, đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm mới được tiêu thụ trên thị trường nhằm tạo điều kiện, hỗ trợ khuyến khích các cơ sở giết mổ tập trung phát huy hiệu quả. Đồng thời, có thêm cơ chế, chính sách đặc thù về đất đai, đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm và xây dựng chuỗi giá trị...

UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 203/KH-UBND, về việc "Triển khai thực hiện công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch trong lĩnh vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020". Theo đó, từ nay đến năm 2020, trên địa bàn TP Hà Nội sẽ hình thành thêm 4 khu giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp theo quy hoạch gắn với chế biến, theo chuỗi liên kết giá trị...
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính sách hỗ trợ giết mổ gia súc, gia cầm tập trung: Vẫn khó tiếp cận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.