Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chinh phục thị trường “nội” không dễ, vì sao?

Thanh Hiền| 19/04/2017 06:56

(HNM) - Câu hỏi đặt ra là, vì sao hàng Việt ra thế giới được ưa chuộng, nhưng lại chưa chinh phục được người tiêu dùng thị trường nội địa?


Lụa Vạn Phúc là thương hiệu có tiếng được du khách quốc tế ưa chuộng. Ảnh: Thái Hiền


Thiếu niềm tin vào hàng "nội"

Theo báo cáo Made In Country Index 2017 do Hãng Nghiên cứu thị trường Statista thực hiện với hơn 43.000 người tiêu dùng (NTD) tại 52 quốc gia (đại diện cho khoảng 90% dân số thế giới) vừa được công bố, sản phẩm "Made in Vietnam" được NTD đánh giá tích cực và đạt 34/100 điểm, xếp thứ 46 trong danh sách hàng hóa xếp hạng. Điều đó cho thấy, trên thị trường thế giới, hàng hóa "Made in Vietnam" đang dần giành được uy tín.

Có thể thấy, các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều có những quy định kỹ thuật rất nghiêm ngặt về môi trường và sản phẩm an toàn, với mục đích bảo vệ tốt nhất sức khỏe con người cũng như môi trường bền vững. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt muốn xuất khẩu được hàng hóa vào những thị trường này phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn kỹ thuật đó.

Tuy nhiên, tại thị trường "nội", hàng hóa Việt dường như vẫn chưa có chỗ đứng xứng đáng. Ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit cho rằng, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu sản phẩm nông sản tự nhiên lớn trên thế giới, sản phẩm được đánh giá cao, nhưng NTD trong nước lại tin dùng sản phẩm nhập ngoại. Thực tế đó cho thấy, suốt thời gian dài, các giải pháp bảo vệ quyền lợi NTD chưa thực sự phát huy hiệu quả. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm diễn ra phức tạp, không chỉ gây thiệt hại cho các nhà sản xuất chân chính, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế cũng như sức khỏe của NTD.

Trong khi đó, việc kiểm tra, kiểm soát của ngành chức năng còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả; chế tài xử phạt đối với việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng còn quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe…

Nghiêm khắc với tiêu chuẩn chất lượng

Hàng Việt Nam dù đứng thứ 46 trên thế giới về độ tin cậy và cao hơn Trung Quốc, nhưng cũng cần nhìn thêm ở các góc độ khác. Trên thực tế, tại thị trường đông dân nhất thế giới này, theo sự chuyển hướng về chất cùng những đầu tư mạnh cho công nghệ, xu hướng chọn hàng nội địa của người dân Trung Quốc ngày càng tăng. Thống lĩnh thị trường điện thoại thông minh ở thị trường Trung Quốc hiện nay không phải là Apple hay Samsung, mà là Huawei, OPPO, Xiaomi. NTD chọn hàng nội địa bởi chất lượng không thua kém hàng ngoại nhập, thậm chí là nhiều tính năng vượt trội, liên tục đổi mới công nghệ và quan trọng là giá cả phù hợp. Quan trọng hơn, luật pháp Trung Quốc xử phạt nghiêm khắc các hành vi bán hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái. Và trong tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng tăng trưởng, nhiều nhà sản xuất hướng đến tiêu chuẩn cao của các nước tiên tiến.

Tại Nhật Bản, có một chương riêng trong Bộ luật Hình sự để quy định về các tội xâm phạm quyền lợi NTD, vấn đề bảo vệ quyền lợi NTD cũng được nêu cao trong Luật Nhân quyền. Bản thân các doanh nghiệp Nhật Bản nhận định, chỉ chất lượng mới có thể là bước đi lâu dài. Với khẩu hiệu: “Chất lượng gắn liền với danh dự quốc gia”, nên họ phục vụ NTD trong nước những sản phẩm được kiểm tra nghiêm ngặt, chất lượng tốt nhất. Đó là lý do khắp thế giới ngưỡng mộ “cái tôi” rất riêng của Nhật Bản. Theo thống kê mới nhất thì trên thế giới có 119 nước quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân khi xâm phạm quyền lợi NTD như: Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Anh, Pháp, Mỹ, Canada...

Ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng, việc khôi phục niềm tin cho NTD không dễ, nhưng vẫn có thể làm được nếu việc kiểm soát chất lượng hàng hóa của Việt Nam tại thị trường nội địa cũng được làm chặt như khi xuất khẩu. Trong quy trình kiểm soát này, các nhà phân phối phải quyết liệt trong việc lựa chọn hàng hóa bán ra thị trường, nói "không" với sản phẩm kém chất lượng, không an toàn cho sức khỏe NTD. Với sự kiểm soát nghiêm ngặt đó, thì nhà sản xuất buộc phải tự điều chỉnh, sản xuất đúng mặt hàng đạt chuẩn để được tiêu thụ.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, xu thế toàn cầu hóa là tất yếu và Việt Nam tham gia hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nhằm tạo cơ hội cho nền kinh tế hội nhập. Việc ký kết các FTA sẽ giúp những nước phát huy thế mạnh của mình và hạn chế yếu kém bằng cách áp dụng có lộ trình đối với các mặt hàng trong nước không cạnh tranh được. Thế nhưng, với Việt Nam nhiều mặt hàng chưa thể cạnh tranh được ngay tại “sân nhà” về giá cả, chất lượng, mẫu mã, nên bị "thua" trước hàng ngoại là điều dễ hiểu. Để giải quyết vấn đề này cần tăng cường vai trò của cơ quan quản lý để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, nhằm hỗ trợ hàng nội địa. Đặc biệt, phải giải quyết từ gốc của vấn đề là nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt bằng năng suất, chất lượng, giá cả và an toàn vệ sinh thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chinh phục thị trường “nội” không dễ, vì sao?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.