Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chính phủ Hy Lạp vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm: Lợi thế trước thềm bầu cử

Quỳnh Dương| 30/01/2023 07:13

(HNM) - Sau hơn nửa năm sóng gió vì những tranh cãi liên quan tới cáo buộc nghe lén hàng chục chính trị gia cấp cao, giới chức quân đội, nhà báo và lãnh đạo doanh nghiệp, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cùng Chính phủ của ông đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội ngày 27-1 vừa qua. Kết quả này sẽ trở thành lợi thế cho ông K.Mitsotakis và đảng Dân chủ mới cầm quyền trong cuộc bầu cử Quốc hội Hy Lạp diễn ra vào tháng 7 tới.

Thủ tướng Hy Lạp K.Mitsotakis đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội ngày 27-1.

Các nguồn tin chính thống của Hy Lạp cho biết, Chính phủ Hy Lạp đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập cánh tả đề xuất với tỷ lệ 156 phiếu ủng hộ và 143 phiếu chống.

Những cáo buộc nhằm vào chính quyền của Thủ tướng K.Mitsotakis liên tục gia tăng kể từ tháng 8-2022, sau khi lãnh đạo của đảng Xã hội chủ nghĩa (PASOK) đối lập - đảng lớn thứ ba ở Hy Lạp cho biết, cơ quan tình báo quốc gia (EYP) đã theo dõi điện thoại của ông trong năm 2021.

Đến đầu tháng 11-2022, tuần báo Documento thông tin, Chính phủ trung hữu của Thủ tướng K.Mitsotakis nghe lén hơn 30 chính trị gia, nhà báo và doanh nhân. Trong danh sách các mục tiêu bị theo dõi có cựu Thủ tướng Antonis Samaras, các thành viên đương nhiệm trong nội các và tỷ phú Vangelis Marinakis, chủ sở hữu các câu lạc bộ bóng đá Olympiakos và Nottingham Forest.

Phe đối lập cho rằng, vụ bê bối này là mối nguy hiểm cho quốc gia. Ngay lập tức, Tòa án Tối cao nước này đã ra lệnh điều tra về cáo buộc nói trên. Chính phủ đã phủ nhận mọi cáo buộc về hành vi cố ý nghe lén. Thủ tướng K.Mitsotakis khẳng định việc nghe lén điện thoại được thực hiện một cách hợp pháp. Tuy nhiên, ông cho rằng điều này là không phù hợp và bản thân ông cũng không đồng tình với việc làm này. Mặc dù cho rằng những cáo buộc trên là thiếu căn cứ, song Chính phủ Hy Lạp vẫn kêu gọi giới chức tư pháp điều tra làm rõ. Vụ bê bối này đã gây nhiều sức ép đối với Thủ tướng K.Mitsotakis, bởi ông đặt EYP dưới sự kiểm soát trực tiếp của mình khi nhậm chức năm 2019.

Các nhà bình luận cho rằng, phe đối lập muốn tận dụng bê bối nghe lén để hạ thấp uy tín của đảng cầm quyền trước cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến được tổ chức vào tháng 7 tới. Tuy nhiên, những thành tích mà Thủ tướng K.Mitsotakis đã làm trong thời gian nắm quyền, đặc biệt về kinh tế, đã trở thành "tấm thẻ bài" bảo vệ ông trước những sóng gió trên chính trường.

Theo Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD), tăng trưởng kinh tế của Hy Lạp năm 2022 đạt 5,1%, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 2,6% của Liên minh châu Âu (EU). Tháng 8-2022, Hy Lạp đã kết thúc 12 năm chịu sự giám sát tăng cường về tài chính của EU. Quá trình giám sát được triển khai từ năm 2010, khi Hy Lạp chìm sâu trong cuộc khủng hoảng nợ công, buộc phải thực thi nhiều cải cách và chính sách “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt nhằm đổi lấy các gói cứu trợ tài chính trị giá 300 tỷ euro.

Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni nhấn mạnh, Hy Lạp đã triển khai hiệu quả những cải cách quan trọng nhằm củng cố nền kinh tế và tài chính công. Dù trước mắt còn nhiều thách thức, như: Tỷ lệ thất nghiệp cao, lạm phát tiếp tục là mối lo đối với các cơ quan quản lý, Thủ tướng K.Mitsotakis khẳng định sẽ tiếp tục chữa lành những vết thương do đại dịch Covid-19 gây ra, đồng thời kiên trì thực hiện cải cách nhằm bảo đảm nền kinh tế tăng trưởng bền vững.

Việc vượt qua được bỏ phiếu bất tín nhiệm cho thấy, Thủ tướng K.Misotakis vẫn nhận được sự ủng hộ lớn từ đa số nghị sĩ. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận được tiến hành gần đây cũng khẳng định điều này. Như vậy, cơ hội để ông K.Misotakis có thể tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai và triển khai các kế hoạch cải cách, đáp ứng sự kỳ vọng của nhiều cử tri đang rộng mở.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ Hy Lạp vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm: Lợi thế trước thềm bầu cử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.