(HNMO) - Hôm nay (3-7), Chính phủ tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 6-2017 trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ tháng 6-2017. (ảnh: VGP) |
Điểm cầu thành phố Hà Nội |
Phiên họp tháng 6 của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng nhằm thảo luận, phân tích, làm rõ tình hình 6 tháng đầu năm 2017, những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, yếu kém; đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm năm 2017.
Theo đó, phiên họp tập trung bàn các vấn đề: tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017; tình hình triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017; kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 6 tháng đầu năm 2017; báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng; báo cáo tình hình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; báo cáo công tác cải cách hành chính…
Tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,73%
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các đại biểu dự họp cần tập trung đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại của đất nước 6 tháng đầu năm 2017, đặc biệt là đề xuất các chủ trương, biện pháp quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra cho năm nay.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tuy 6 tháng đầu năm nay, tình hình trong nước và thế giới có nhiều khó khăn nhưng nhờ công tác chỉ đạo, điều hành đổi mới, quyết liệt nên các chỉ số cơ bản của “sức khỏe” nền kinh tế đạt tốt. Cụ thể, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát ở mức thấp; tăng trưởng phục hồi mạnh (quý I đạt 5,15%, quý II tăng 6,17%). Đây là sự tăng trưởng rất ngoạn mục, góp phần đưa GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,73%, trong đó nông nghiệp, dịch vụ phục hồi mạnh.
Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trên 30%. Việt Nam là 1 trong 12 nước dẫn đầu về tăng trưởng du lịch của thế giới. Xu hướng kinh doanh tốt hơn. Tín dụng tăng 8%, cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 6 năm. Chứng khoán tăng cao nhất trong 9 năm, kể từ tháng 3-2008, chỉ số VNIndex đạt trên 777 điểm vào ngày 30-6 vừa qua. Chỉ số PMI do Nikkei đánh giá trong tháng 6 đạt 52,6 điểm, chứng tỏ sản xuất của Việt Nam tiếp tục phát triển. Xuất khẩu tăng gần 19%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2016. Tính cả xuất-nhập khẩu thì 6 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 200 tỷ USD. Thu ngân sách tăng mạnh, có nhiều giải pháp bảo đảm nguồn thu. Vốn FDI tăng mạnh, tổng vốn đăng ký mới, bổ sung và góp cổ phần đạt trên 19 tỷ USD (tăng 54,8%); vốn thực hiện đạt 7,7 tỷ USD (tăng 6,5%). Có trên 61.000 doanh nghiệp đăng ký mới với tổng số vốn gần 600.000 tỷ đồng...
Bên cạnh những mặt đạt được, Thủ tướng đã chỉ ra các mặt hạn chế, khó khăn, thách thức. Trong đó, về nông nghiệp, việc tiêu thụ một số nông sản còn khó khăn, giá bán giảm, ảnh hưởng đến người sản xuất. Tăng trưởng công nghiệp, xây dựng còn thấp hơn cùng kỳ năm trước... Sản xuất kinh doanh có phát triển nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn. Chi phí sản xuất còn cao. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nửa năm mới đạt 30% kế hoạch Thủ tướng giao và gần 26% dự toán Quốc hội giao. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn chậm, mới cổ phần hóa được 20 doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa cho 21 doanh nghiệp, thoái vốn được 11.600 tỷ đồng trong khi kế hoạch đề ra là 60.000 tỷ đồng.
6 tháng đầu năm còn nhiều vấn đề xã hội bức xúc như: mất vệ sinh an toàn thực phẩm, ngộ độc thực phẩm tập thể, bất cập trong khám chữa bệnh, nợ đóng bảo hiểm xã hội, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em, ô nhiễm môi trường...
Từ thực tế đó, Thủ tướng cho rằng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm là rất nặng nề. Riêng về tăng trưởng, để cả năm đạt 6,7% thì 6 tháng cuối năm phải tăng 7,42%. Theo Thủ tướng, nền kinh tế còn nhiều dư địa để tăng trưởng, song vấn đề đặt ra là các cấp, các ngành phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa, cải cách đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nhất là các bộ quản lý sản xuất kinh doanh và vùng kinh tế trọng điểm, các thành phố lớn.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ, các địa phương tập trung đề xuất giải pháp cụ thể; bàn và đưa ra các giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, nhất là trong sản xuất, tiêu thụ lúa, nông sản; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; cổ phần hóa DNNN và thoái vốn; cải cách mạnh mẽ hơn về thủ tục hành chính...
Hà Nội đã sắp xếp xong tổ chức bộ máy
Báo cáo tại phiên họp trực tuyến Chính phủ thường kỳ tháng 6-2017, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, kinh tế thành phố tiếp tục duy trì tăng trưởng, tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm 2017 ước tăng 7,37% (cùng kỳ năm trước tăng 7,34%); có thêm 5 xã được đánh giá đạt chuẩn nông thôn mới, 2 huyện (Thanh Trì, Hoài Đức) đã đủ điều kiện và đang hoàn thiện hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới. Khách du lịch ước đạt 11,85 triệu lượt (tăng 8%), trong đó khách quốc tế đạt 2,33 triệu lượt (tăng 14%); Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đến ngày 30-6-2017 là 104.616 tỷ đồng (đạt 51,1% dự toán và tăng 20,6% so với cùng kỳ năm 2016).
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cũng cho biết, 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã tiến hành sắp xếp xong tổ chức bộ máy trên toàn Thành phố với quan điểm thu gọn đầu mối quản lý; tập trung rà soát tất cả thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành để cắt giảm, phối hợp liên thông các thủ tục hành chính (TTHC). Nhờ đó, thời gian giải quyết TTHC trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh giảm 30%; lĩnh vực đầu tư giảm 40-60%, lĩnh vực quy hoạch, đất đai giảm 30-50%...
Hà Nội đã thành lập Tổ công tác liên ngành để giải quyết thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt đề xuất dự án và giải quyết khó khăn vướng mắc (giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục đến 43%). Thực hiện nghiêm “Năm kỷ cương hành chính 2017”, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “kỷ cương - trách nhiệm - tận tình - thân thiện” để phục vụ doanh nghiệp và người dân. Chỉ số cải cách hành chính (PARIndex) tăng 6 bậc so với năm 2015 và xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63, cao nhất từ trước tới nay; vốn đăng ký đầu tư ngoài ngân sách nhà nước ước đạt 190.922 tỷ đồng, tăng 74,6% so với cùng kỳ năm 2016...
Thành phố đã tổ chức 19 phiên giao dịch việc làm với 606 doanh nghiệp, đơn vị tham gia, tuyển dụng hơn 2.000 lao động; y tế dự phòng được triển khai rộng khắp; giám sát, kiểm tra chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường.
Thành phố đã tổ chức ra quân duy trì trật tự đô thị một cách bền vững; thí điểm triển khai ứng dụng trông giữ xe qua điện thoại di động I-Parking trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; tiếp tục sắp xếp các đường dây, cáp đi nổi trên các tuyến phố, triển khai kế hoạch hạ ngầm đường dây đi nổi tại 60 tuyến phố; tập trung chỉnh trang đô thị, cắt tỉa và trồng bổ sung cây bóng mát; đẩy nhanh tiến độ các dự án cấp nước sạch nông thôn; đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận lần đầu đạt 96,6% số đủ điều kiện cấp)...
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, trong 6 tháng đầu năm, Hà Nội vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như: xếp hạng chỉ số PAPI của Hà Nội giảm và đang ở vị trí thấp; tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp; vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép, lấn chiếm đất công, vi phạm khai thác cát, sử dụng bến bãi trái phép còn xảy ra...
Để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2017, UBND thành phố Hà Nội sẽ quyết liệt chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo các chương trình, kế hoạch Thành phố đã ban hành, đồng thời bám sát các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.