(HNMO) - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu ra một số vụ việc đã được chỉ đạo xử lý quyết liệt, được dư luận đồng tình, ủng hộ như AVG, đất đai tại Đà Nẵng....
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình. |
Sáng 21-5, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình báo cáo trước Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018.
Theo đó, những tháng đầu năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện. Kinh tế vĩ mô ổn định, các ngành chủ yếu đều tăng trưởng cao hơn cùng kỳ. Đời sống người dân tiếp tục được cải thiện. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường đạt nhiều kết quả, tạo không khí phấn khởi toàn xã hội.
Kiến nghị thu hồi trên 3,3 nghìn tỷ đồng và 162 ha đất
Đặc biệt, công tác thanh tra được tập trung triển khai theo kế hoạch; quyết liệt chỉ đạo xử lý nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm, được dư luận đồng tình, ủng hộ (như các vụ việc: AVG, đất đai tại Đà Nẵng…); việc xử lý sau thanh tra được tăng cường.
Trong quý I-2018, toàn ngành thanh tra đã tiến hành trên 1,8 nghìn cuộc thanh tra hành chính và trên 36,7 nghìn cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế trên 4,5 nghìn tỷ đồng và trên 14,5 nghìn ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi trên 3,3 nghìn tỷ đồng và 162 ha đất...
Công tác phòng chống tham nhũng được chú trọng. Các cơ quan chức năng tập trung điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh các vụ án tham nhũng lớn, dư luận quan tâm (như vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên internet, các vụ án liên quan đến sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, Tập đoàn Dầu khí…).
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng cho biết thời gian tới sẽ tăng cường công tác thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng, tiêu cực, như quản lý đất đai, tài sản công, đầu tư xây dựng, sử dụng ngân sách nhà nước...
Thực hiện tốt Luật Tiếp công dân, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tập trung giải quyết các vụ khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống, tạo đồng thuận, không để thành "điểm nóng" gây mất an ninh trật tự;
Triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện nghiêm Kết luận của BCĐ Trung ương về phòng chống tham nhũng; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng; sớm hoàn thành kết luận thanh tra và xử lý nghiêm sai phạm trong các dự án gây thất thoát, thua lỗ kéo dài, dư luận xã hội quan tâm; thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát.
Bạo lực ở một số cơ sở y tế và giáo dục gây bức xúc trong dư luận
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh. |
Nhất trí với các kết quả đạt được như báo cáo của Chính phủ đã nêu, trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh lưu ý, kinh tế quý I-2018 với sự bứt phá về GDP đem lại kỳ vọng lớn nhưng tạo áp lực không nhỏ về tăng trưởng GDP trong 3 quý còn lại nếu tăng trưởng vẫn định hình như các năm trước.
Ngoài hai lĩnh vực công nghiệp và xuất khẩu, chưa phát huy đầy đủ tiềm năng của các lĩnh vực khác cũng như khả năng đóng góp của từng vùng kinh tế trọng điểm và một số địa phương là các cực tăng trưởng của đất nước. Áp lực lạm phát năm 2018 còn tiềm ẩn. Chưa gắn kết thường xuyên giữa hoạt động sản xuất nông nghiệp với nhu cầu thị trường, vẫn phải “giải cứu” nông sản; công tác dự báo thị trường chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống phân phối chưa đồng bộ và hiệu quả.
Giá trị gia tăng của sản phẩm một số ngành công nghiệp tăng chậm, chưa tham gia nhiều vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; mức độ liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp cùng ngành và giữa các ngành còn hạn chế.
Một số vụ việc trong ngành hải quan, thuế cho thấy cần sớm có giải pháp quyết liệt loại bỏ các hành vi nhũng nhiễu, các khoản chi phí không chính thức. Việc triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa rất chậm, việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp chưa có chuyển biến đột phá.
Thị trường bất động sản có dấu hiệu “nóng” lên, nhất là các thành phố lớn, tiềm ẩn nhiều rủi ro; có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đất đột biến tại các địa điểm chuẩn bị hình thành đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt trước những thông tin về cơ chế, chính sách mới đang được trình Quốc hội.
Ủy ban Kinh tế cũng nhấn mạnh đến thực trạng bạo lực ở một số cơ sở y tế và giáo dục, xâm phạm danh dự, thân thể nhà giáo, y bác sỹ, thái độ của giáo viên với học sinh; hiệu quả tuyển sinh đại học, chế độ cho giáo viên; việc công nhận các chức danh GS - PGS gây bức xúc trong dư luận.
Công tác tiếp công dân còn nhiều bất cập, tình trạng khiếu kiện, tập trung đông người ở trụ sở các cơ quan trung ương chưa giải quyết triệt để. Đề nghị thực hiện nghiêm việc tiếp công dân định kỳ, công bố lịch tiếp công dân định kỳ theo đúng quy định của pháp luật; tăng cường xử lý, giải quyết vụ việc khiếu kiện ngay tại cơ sở.
Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể hơn về việc thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường quản lý tài sản công liên quan đến quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và bán tài sản nhà nước; công tác quản lý chất lượng và vận hành các công trình xây dựng; việc kiểm soát tình trạng bong bóng bất động sản ở các địa phương; việc ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp đầu tư, hỗ trợ nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội sau khi Quốc hội quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; việc bảo đảm an ninh chính trị nội bộ, an ninh văn hóa; kết quả triển khai tận dụng các lợi thế, giải pháp vượt qua khó khăn trong thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
Cơ bản đồng tình với các nhóm giải pháp đã nêu trong những tháng còn lại của năm 2018, Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ quan tâm thêm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Tập trung giải quyết các yếu kém đã được nhận diện, quan tâm hơn đến vấn đề chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các sai phạm trong quản lý nhà nước về đất đai ở các thành phố lớn, các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trong quản lý và sử dụng đất công, trong quản lý quy hoạch đô thị ở các thành phố, nhất là ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.