(HNM) - Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với Việt Nam là biểu tượng của việc giành lại độc lập dân tộc, nhưng với Pháp trận chiến này là biểu tượng của một sự ngoan cố, lỗi thời dẫn đến thảm họa.
Trận chiến không chỉ đi vào lịch sử của hai nước Việt Nam và Pháp mà còn được cả thế giới đón nhận như một sự thất bại cho các trận chiến khác. Mùi thuốc súng đã tan đi tại "lòng chảo Bắc bộ", song lại thấm đẫm vùng núi Aurès (ở Angiêri).
Du khách tham quan những di tích lịch sử tại Điện Biên Phủ. Ảnh: Tuấn Anh |
Chúng ta vẫn chưa hình dung hết tiếng vang của sự kiện trên tại thế giới thuộc địa hay bị đô hộ, nhất là tại vùng hải ngoại của Pháp: Những kẻ thực dân đã bị thất bại, một đội quân chính quy đã bị đánh bại. Tại Châu Phi, những nước thuộc địa đã theo dõi các trận đánh tại Angiêri và thường xuyên bình luận về các trận đánh. Ví dụ Báo "L'Essor" phát hành tại Thủ đô Bamako (Mali) ngày 19-12-1960 đã viết: "Ngoài nền độc lập, không còn một giải pháp có giá trị nào khác cho Angiêri và nếu nước Pháp khăng khăng với thái độ của mình, không chỉ có một Điện Biên Phủ mới đang được chuẩn bị mà còn là số phận của chính nước này đang lâm nguy".
Người Angiêri đã viết: "Chiến thắng Điện Biên Phủ" làm tiêu đề cho Bản tin của Phái đoàn Đảng Mặt trận giải phóng dân tộc Angiêri tại Pháp năm 1956. Tổng thống Chính phủ lâm thời nước Cộng hòa Angiêri Ben Youcef Ben Khendda nhớ mãi: "Thất bại này của Pháp xảy ra như một khối thuốc nổ mạnh tác động tới những người tin rằng lựa chọn nổi dậy trong thời gian ngắn từ nay là giải pháp duy nhất, chiến lược duy nhất có thể (…). Cần phải nhấn mạnh là, đối với nhiều người Pháp, hình ảnh đầu hàng ngày 7-5-1954 đã trở thành một sự ám ảnh…
Cuối cùng, cần phải nhắc lại rằng trong giai đoạn Mỹ tiến hành chiến tranh ở Việt Nam, cái tên Điện Biên Phủ đã vang lên nhiều lần: "Một Điện Biên Phủ với Mỹ?" là nhan đề bài báo của tác giả Jean Lacounture đăng trên báo "Le Nouvel Observateur" ngày 29-3-1971… "Nixon muốn phòng ngừa một Điện Biên Phủ với Mỹ" của tác giả Jean-Claude Pômnti trên báo Le Monde ngày 9-5-1972…
Năm 1962, trong lời đề tựa cuốn "Đêm thực dân" (La Nuit conloniale), nhà lãnh đạo giải phóng dân tộc Ferhat Abba, sau này trở thành tổng thống đầu tiên của Chính phủ lâm thời Angiêri đã viết: "Điện Biên Phủ không chỉ là một chiến thắng quân sự. Đó là khẳng định của người dân Châu Á và Châu Phi trước người Châu Âu. Đó là xác nhận về nhân quyền quy mô toàn cầu. Tại Điện Biên Phủ, nước Pháp đã đánh mất lý lẽ của kẻ mạnh".
Trận chiến Điện Biên Phủ, chiến thắng của một dân tộc thuộc địa trước một đội quân phương Tây hùng mạnh có ý nghĩa như tiếng bom mở đường cho một xã hội mới…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.