Israel đã thông qua dự luật cấm cơ quan Liên hợp quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) hoạt động tại Israel, coi đây là một tổ chức khủng bố và cắt mọi quan hệ giữa cơ quan này với chính phủ Israel.
Ngày 28-10, sau cuộc bỏ phiếu với 92 phiếu thuận và 10 phiếu chống, Quốc hội Israel chính thức thông qua dự luật cấm UNRWA cử đại diện, cung cấp các dịch vụ hoặc triển khai hoạt động, dù trực tiếp hay gián tiếp, trên lãnh thổ quốc gia này.
Động thái được đưa ra sau khi Israel cáo buộc một số nhân viên UNRWA liên quan đến vụ tấn công do Hamas thực hiện vào ngày 7-10-2023.
“Những nhân viên của UNRWA tham gia vào các hoạt động khủng bố chống lại Israel phải chịu trách nhiệm”, Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố.
UNRWA là gì?
UNRWA là Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc dành cho người tị nạn Palestine. Được thành lập năm 1948 để hỗ trợ 700.000 người Palestine phải di dời do xung đột năm 1948, cơ quan này đã cung cấp các dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, cứu trợ, xã hội, cơ sở hạ tầng và nơi trú ẩn. Hoạt động của UNRWA trải rộng khắp Bờ Tây bị chiếm đóng, bao gồm Đông Jerusalem và Dải Gaza, cũng như tại Syria, Lebanon và Jordan.
Theo The Guardian, hỗ trợ dành cho UNRWA phần lớn đến từ các khoản tài trợ trực tiếp của Liên hợp quốc và sự đóng góp tự nguyện của các quốc gia thành viên tổ chức đa phương lớn nhất thế giới. Với nhân lực 30.000 người Palestine, cơ quan này hỗ trợ gần 6 triệu người tị nạn, bao gồm 1.476.706 người tại 8 trại tị nạn ở Dải Gaza và 800.000 người tại Bờ Tây.
Trong cuộc xung đột hiện tại ở Gaza, hầu như toàn bộ dân số vùng lãnh thổ này phụ thuộc vào UNRWA về những nhu cầu cơ bản như thực phẩm, nước và vật dụng vệ sinh. Đến nay, hơn 200 nhân viên cơ quan này được xác nhận đã thiệt mạng trong cuộc xung đột đã kéo dài 1 năm giữa Israel và Hamas.
Lý do Israel bỏ phiếu cấm UNRWA
Israel từ lâu đã chỉ trích UNRWA là lỗi thời và việc cơ quan này vẫn tiếp tục hỗ trợ các thế hệ kế tiếp của những người từng phải di dời năm 1948 là trở ngại đối với tiến trình hòa bình.
Trong cuộc xung đột hiện tại với Hamas, Israel đã nhiều lần cáo buộc UNRWA tuyển dụng nhân viên là các chiến binh Hamas. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu từng kêu gọi Mỹ, đồng minh hàng đầu của Israel và cũng là nhà tài trợ lớn nhất của UNRWA, cắt giảm hỗ trợ với nhận định cơ quan này “bị Hamas hủy hoại”.
Theo một hồ sơ do Israel cung cấp cho Mỹ, 12 nhân viên UNRWA bị cáo buộc tham gia vào vụ tấn công hồi tháng 10 năm ngoái, bao gồm 9 giáo viên tại các trường học của cơ quan trực thuộc Liên hợp quốc.
Hồ sơ nêu rõ, Israel có bằng chứng cho thấy UNRWA đã tuyển dụng 190 chiến binh Hamas và Jihad Hồi giáo, chiếm 0,64% tổng số nhân viên. Sau khi tiến hành điều tra, UNRWA đã sa thải những nhân viên vướng cáo buộc nhưng phủ nhận việc cố tình hỗ trợ các nhóm vũ trang này.
Tác động của lệnh cấm
Theo dự luật vừa được Quốc hội Israel thông qua, UNRWA sẽ không thể “vận hành mọi cơ sở, cung cấp các dịch vụ hoặc tiến hành bất kỳ hoạt động nào, dù dưới hình trực tiếp hay gián tiếp” tại Israel.
Dù hầu hết các hoạt động của UNRWA diễn ra ở Bờ Tây và Gaza, cơ quan này vẫn phải phụ thuộc vào một thỏa thuận với Israel để có thể duy trì hoạt động, bao gồm cả việc tiếp cận các cửa khẩu biên giới vào Gaza và viện trợ nhân đạo.
Động thái của Israel được đánh giá là sẽ gây cản trở tiến trình phân phối viện trợ vốn đã mong manh ở Gaza, đặc biệt trong bối cảnh quốc gia Do Thái đang chịu áp lực ngày càng tăng từ Mỹ về tăng cường viện trợ.
Tổng Giám đốc UNRWA Philippe Lazzarini từng cảnh báo, các hoạt động nhân đạo ở Gaza “có thể tan rã” nếu lệnh cấm được thông qua, dẫn đến việc gián đoạn hoạt động cung cấp thực phẩm, nơi trú ẩn và chăm sóc sức khỏe khi mùa đông đến.
Theo AP, khoảng 2,3 triệu người ở Gaza gần như hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ để sinh tồn. Do ảnh hưởng của xung đột, khoảng 90% dân số vùng lãnh thổ này đã phải di dời, với hàng trăm nghìn người sống tại các khu trại trong bối cảnh nạn đói đang hoành hành.
Israel được cho là đang cân nhắc việc tự tiếp quản hoạt động phân phối viện trợ nhưng vẫn chưa đưa ra kế hoạch cụ thể. Bất kỳ nỗ lực nào như vậy có thể sẽ đòi hỏi phải huy động những nguồn lực lớn trong bối cảnh quốc gia này vẫn duy trì các hoạt động quân sự tại cả Gaza và Lebanon.
Phản ứng quốc tế
Lệnh cấm nhằm vào UNRWA của Israel đã vấp phải phản đối mạnh mẽ từ nhiều quốc gia và các tổ chức viện trợ quốc tế. Các ý kiến chỉ trích cho rằng, Israel không chỉ không đưa ra gợi ý về việc thay thế UNRWA, mà cũng không đề cập đến một kế hoạch Gaza hậu xung đột.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden “rất quan ngại” về dự luật của Israel, nhận định rằng “không ai có thể thay thế UNRWA trong bối cảnh khủng hoảng hiện tại”.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo, lệnh cấm của Israel đối với UNRWA sẽ gây ra “hậu quả tàn khốc” vì cơ quan này là “không thể thay thế trong 7 thập kỷ vừa qua”, theo hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu.
Người đứng đầu WHO nhấn mạnh, lệnh cấm đã vi phạm nghĩa vụ và trách nhiệm của Israel, đồng thời đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của những người phụ thuộc vào UNRWA.
UNRWA cũng đã chính thức lên tiếng, nói rằng động thái của Israel sẽ “làm sâu sắc thêm nỗi đau khổ của người Palestine, đặc biệt tại Dải Gaza”. Trong một tuyên bố trên mạng xã hội X, Tổng Giám đốc UNRWA Philippe Lazzarini lo ngại, lệnh cấm tước đoạt quyền được giáo dục của hơn 650.000 trẻ em, đồng nghĩa với việc gây nguy hiểm cho cả một thế hệ tương lai.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.