Tôi may mắn được quen biết Thiếu tướng Đinh Mộng Tiên (1929-2018) vì học đại học cùng con trai ông - một thương binh thời chống Mỹ mà tôi coi như người anh kết nghĩa.
Những năm tôi công tác ở Phnom Penh (1985-1986 và 1991-1992) cũng là thời gian ông làm Đoàn phó Đoàn Chuyên gia quân sự ở đó. Vào các buổi chiều, tôi thường qua cơ quan ông thăm hỏi, chơi bóng bàn… Sau khi ông nghỉ hưu, tôi hay qua nhà trò chuyện cùng ông.
Trong không khí cả nước tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô, tình cờ tôi giở lại những trang ghi chép về một giai đoạn trong cuộc đời trận mạc của Thiếu tướng Đinh Mộng Tiên, xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
...Tháng 12-1951, từ Thanh Hóa ra Việt Bắc, tôi tự tìm đường về đơn vị là Đại đoàn 308 do anh Vương Thừa Vũ làm Đại đoàn trưởng. Đại đoàn phân công tôi về Đại đội 62, Trung đoàn 36 là những đơn vị tác chiến chủ lực lúc đó.
Trải qua chiến dịch Hòa Bình rất thắng lợi, quân ta bao vây và tiêu diệt 5 cứ điểm tại thị xã. Cuối cùng, ngày 13-2-1952, địch tháo chạy khỏi Hòa Bình. Tại lễ mừng chiến thắng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tuyên dương công trạng của Trung đoàn 36.
Tháng 9-1952, Bộ Chính trị mở Chiến dịch Tây Bắc, các Đại đoàn 308, 312, 316 cùng vào trận. Sau 13 ngày chiến đấu, một vùng rộng lớn giữa sông Thao và sông Đà đã được giải phóng. Bài hát “Qua miền Tây Bắc” được sáng tác thời gian này bởi nhạc sĩ Nguyễn Thành, một chiến sĩ của Đại đoàn 308… Tết âm lịch 1952, Bác Hồ về thăm Đại đoàn. Tôi được vinh dự là đại biểu trong cuộc đón tiếp Người.
Sau Chiến dịch Hòa Bình và Tây Bắc, Đảng và Chính phủ ta cùng Chính phủ kháng chiến Lào quyết định mở Chiến dịch Thượng Lào 1953, tiến công Sầm Nưa, mở rộng vùng giải phóng. Đại đoàn 308 lại lên đường. Riêng tôi ở lại theo đường Quảng Nạp - Thái Nguyên dự lớp tập huấn do anh Đồng Sĩ Nguyên, Cục trưởng Cục Tổ chức (Tổng cục Chính trị) lên lớp. Chiến dịch Thượng Lào thắng lợi, tôi về lại Trung đoàn.
Hè - Thu 1953, địch mở Chiến dịch Navarre. Tướng Cogny cho 6 tiểu đoàn nhảy dù xuống Điện Biên Phủ, tăng cường 6 tiểu đoàn khác cho Lào để đánh chiếm Mường Ngòi, Mường Khoa. Chúng dốc sức xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Các Đại đoàn chủ lực 308, 312, 316, 304 và nhiều đơn vị binh chủng khác được lệnh tiến vào mặt trận, bao vây tập đoàn cứ điểm địch. Trung đoàn 36 được lệnh hành quân tạt sang Pom Lót, chặn đường rút sang Lào của địch. Trong 7 ngày, phải hành quân hơn 300km chiếm lĩnh địa bàn. Trung đoàn đã đến nơi trước 1 ngày theo kế hoạch và bao vây khu vực Hồng Lếch. Bọn địch hạ vũ khí đầu hàng.
Trung tuần tháng 1-1954, bốn Đại đoàn chủ lực của ta đã hình thành thế trận bao vây Điện Biên Phủ. Nhưng đến cuối tháng đó, Đại đoàn 308 được lệnh trở lại Thượng Lào để phá vỡ phòng tuyến Nậm Hu của địch. Trong cuộc hành quân này, tôi bị thương rất nặng. Khi pháo địch vừa bắn vào đội hình thì hai quả mìn gài sẵn bên đường phát nổ. Tôi nằm xuống mơ màng, chỉ nghe có tiếng hỏi: “Anh Tiên có làm sao không?” và ngất đi. Tôi được cáng về trạm Nậm Bắc, phải nằm sấp trên cáng vì lưng, cột sống và mông nham nhở mảnh mìn. Người mổ cho tôi là bác sĩ Vi Huyền Trác, con trai nhà soạn kịch Vi Huyền Đắc nổi tiếng. Sau này gặp nhau, anh Trác nói: “Tớ phải quyết thôi vì mảnh kim loại chạm vỡ mấu đốt sống, chỉ sơ sẩy tí là cậu liệt đứt nửa người”.
Ngày 13-3, quân ta nổ súng đánh Điện Biên. Ngày 7-5, cờ đỏ đã cắm trên nóc hầm De Castries. Anh Ngọc Thuần, cán bộ Ban Chính trị Trung đoàn đến thăm tôi và trao khẩu súng ngắn chiến lợi phẩm của thủ trưởng Trung đoàn gửi tặng. Nhiệm vụ Trung đoàn là tiếp tục chiến đấu, phát huy chiến thắng Điện Biên Phủ, làm hậu thuẫn cho việc đàm phán tại hội nghị Genève.
Ngày 21-7-1954, Hiệp định đình chiến Genève được ký kết. Tôi được giao nhiệm vụ tập hợp tư liệu qua đài ta và đài Pháp, viết tuyên truyền về Hiệp định và nhiệm vụ sắp tới của Đại đoàn. Thú thật, khi đọc những điều khoản đình chiến, vui buồn lẫn lộn, nghĩ đến anh em Nam Trung bộ, những người đã cùng chiến đấu, hy sinh 8 năm trước. Con đường thống nhất chưa hoàn thành. Và còn trách nhiệm với các bạn Campuchia và các bạn Lào?
Công việc tiếp quản Hà Nội rất khẩn trương. Ngày 19-9-1954, Bác Hồ gặp mặt một số cán bộ Đại đoàn 308 tại đền Hùng (Phú Thọ) và huấn thị: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước!”.
Công tác chính trị rất bề bộn, cần phải chuẩn bị cả về tư tưởng, thái độ, tác phong cho anh em. Chúng tôi quán triệt từ đội hình, nói năng, đi đứng, trang phục…
Chiều 9-10-1954, tất cả cơ quan Đại đoàn bộ lên chiếc xe tải Mô-lô-tô-va do Liên Xô sản xuất tiến ra Hà Đông đi về Ngã Tư Sở. Ban Hành chính và cơ quan Chính trị được bố trí ở làng Mọc Chính Kinh. Tôi được xếp vào ở nhà một bà cụ đẹp lão, tiếp đón rất lịch sự, bố trí chỗ làm việc và giường nghỉ có sẵn chăn màn. Muỗi nhiều quá, bà liền chuẩn bị cho một cây đèn dầu, để tôi thắp đèn và đưa máy điện thoại vào trong màn để nắm tình hình Bạch Mai, Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở… cũng như ghi chép để mai báo cáo, quán triệt. Sáng ra, màn như nhuộm đen và mặt mũi tôi cũng vậy. Anh em ôm bụng cười…
Đại đoàn trưởng 308 Vương Thừa Vũ kiêm luôn Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thủ đô Hà Nội. Các trung đoàn được bố trí hợp lý để sẵn sàng bảo vệ nhân dân và quân đội khi có sự biến.
Sáng 10-10-1954, theo đúng kế hoạch, đơn vị tiến vào nội thành trong sự đón tiếp tưng bừng với nghìn nghìn nụ cười, nước mắt, cờ hoa và trong tiếng nhạc “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao.
Chúng tôi tiếp quản chỗ ở là trại Bảo an binh cũ của địch, lúc này đã xơ xác, tanh bành, đến giường cũng không có. Đêm đến lại phải lao vào công việc soạn tài liệu. Rất nhiều việc, anh em trở về thành phố, nhiều người đã có tuổi khi qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, rất có nhu cầu cưới vợ, ổn định cuộc sống. Từ rừng về, tài sản chỉ là chiếc ba lô và sốt rét rừng.
Tôi cũng vậy! Tài sản là khẩu súng lục chiến lợi phẩm và một mảnh dù định đưa về nhà. Sau đó, tôi đã tặng mảnh dù này cho một đồng đội sắp cưới vợ mà trong tay không có nổi tấm chăn. Đồng chí ấy rất vui.
Trước khi về quê thăm gia đình ở Quế Sơn, Kim Bảng, Hà Nam, tôi đề nghị Phòng Chính trị cho ra ngắm cầu Long Biên - cây cầu lịch sử trước đây chỉ được nhìn thấy qua tranh ảnh trong những bài văn học trước Cách mạng Tháng Tám.
Đứng trên cầu, một ý nghĩ thoạt đến: Cây cầu được thiết kế theo phong cách xây dựng của kiến trúc sư Eiffel này là do người Pháp xây dựng bắc qua sông Hồng. Và cũng cây cầu này, cách đây dăm ngày thôi, ngày 9-10-1954 đã chứng kiến người lính Pháp cuối cùng rút khỏi Thủ đô Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.