(HNMO) - Ngày 7-12, tại Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm xây dựng giảng đường an toàn. Sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu & Ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) - Cơ quan Liên hợp quốc vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và Đại học Bách Khoa Hà Nội tổ chức.
Tọa đàm nhằm chia sẻ kinh nghiệm về việc thành lập, vận hành mô hình “Giảng đường an toàn” đang được thực hiện tại 8 trường đại học. Đây cũng là sự kiện hưởng ứng Chiến dịch toàn cầu 16 ngày hành động chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2022.
Việc vận hành mô hình “Giảng đường an toàn” được triển khai thông qua nhiều hoạt động như đánh giá tình hình an toàn của sinh viên và cán bộ, giảng viên nữ trong các trường đại học làm cơ sở xây dựng chính sách bảo đảm an toàn cho sinh viên; xây dựng trung tâm thông tin - tư vấn để hỗ trợ sinh viên, cán bộ nữ bị bạo lực giới; nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó cho sinh viên về bạo lực trên cơ sở giới; nâng cao hiểu biết và kỹ năng ứng phó về quấy rối và bạo lực tình dục cho giảng viên, cán bộ nhà trường.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Phạm Hùng Anh cho biết, ngành Giáo dục có khoảng 25 triệu cán bộ quản lý, nhà giáo, học sinh, sinh viên, trong đó hơn một nửa là nữ giới. Ngành cũng có nhiều chính sách, văn bản chỉ đạo về thúc đẩy bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trong trường học; có hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý học đường, hướng dẫn công tác xã hội trong trường học, đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học...
Mô hình “Giảng đường an toàn” đang được thực hiện có bài bản theo hướng dẫn chung toàn cầu ở một số trường đại học ở Việt Nam cho thấy vai trò, tính tiên phong của một số trường đại học trong việc lan tỏa thông điệp về bình đẳng giới.
Những kinh nghiệm từ thực tế triển khai sẽ là cơ sở có giá trị cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan ban hành các quy định, chính sách thiết thực, hiệu quả nhằm bảo đảm môi trường học đường an toàn.
Đại diện 18 trường đại học trên toàn quốc tham dự tọa đàm đều khẳng định sự cần thiết của những dịch vụ hỗ trợ tâm lý có hệ thống và được đào tạo bài bản giúp sinh viên, cán bộ và giảng viên tại các trường đại học có thể bảo vệ bản thân và lên tiếng trước những hành vi bạo lực giới.
Ngoài ra, các hoạt động nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, các hình thức bạo lực giới, trong đó có việc quấy rối tình dục trên giảng đường và trên không gian mạng cũng cần được đẩy mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.