(HNM) - Từ khi Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới được ban hành và nêu rõ mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, ngành Dân số của Thủ đô đã tập trung nhiều giải pháp để tăng tỷ lệ sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Đây được xem là “chìa khóa vàng” giúp trẻ sinh ra tránh được những hậu quả nặng nề do dị tật, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng giống nòi.
Tránh hậu quả nặng nề cho trẻ
Nếu như cách đây khoảng 10 năm, tỷ lệ sàng lọc trước sinh của toàn thành phố Hà Nội chỉ đạt 50% và sàng lọc sơ sinh đạt 30%, thì nay đã tăng lên đáng kể. Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ sàng lọc trước sinh của thành phố đạt 83,43% và tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 85,19%; trong đó phát hiện 186 trường hợp nghi ngờ thiếu men G6PD (bệnh gây biến chứng vàng da, biến chứng thần kinh, chậm phát triển tâm thần, vận động) và 3 trường hợp nghi ngờ suy giáp trạng bẩm sinh (bệnh rối loạn hoặc thiếu hụt tổng hợp hormone tuyến giáp, chậm phát triển trí tuệ).
Để có được kết quả này, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội Tạ Quang Huy cho biết, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức tại 579 xã, phường, thị trấn; đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ trực tiếp tham gia quá trình sàng lọc. Hằng năm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cũng triển khai các lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh cho cán bộ chuyên môn, kỹ thuật và cán bộ dân số các cấp...
“Khoa sản của các bệnh viện tuyến thành phố, tuyến huyện và các cơ sở y tế, dân số quận, huyện, thị xã đã thực hiện tư vấn, siêu âm, xét nghiệm thường quy về sàng lọc trước sinh. Cùng với đó, tập trung các hoạt động tư vấn, thực hiện lấy máu gót chân của trẻ sơ sinh sau 24-72 giờ chuyển lên trung tâm sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của thành phố và khu vực. Thành phố cũng phối hợp với một số bệnh viện trung ương trên địa bàn, như: Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Phụ sản trung ương, Viện Huyết học - Truyền máu trung ương triển khai các hoạt động sàng lọc khiếm thính, bệnh tan máu bẩm sinh, tim bẩm sinh…”, ông Tạ Quang Huy cho biết thêm.
Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có khoảng 40.000 ca đẻ/năm. Qua công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh, hằng tháng, bệnh viện phát hiện khoảng 400-500 trường hợp thai có bất thường, trong đó tập trung nhiều ở bệnh tim bẩm sinh, hệ thần kinh trung ương, thận, tiết niệu… Theo Giám đốc Trung tâm Sàng lọc chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội Đinh Thúy Linh, khi phát hiện những bất thường của thai nhi, các bác sĩ đã có những can thiệp kịp thời. Nhờ đó, tránh được những hậu quả nặng nề, không ít thai nhi được cứu chữa ngay từ khi còn trong bụng mẹ, hoặc vừa mới chào đời…
Nâng cao nhận thức của người dân
Theo nhiều nghiên cứu, tất cả phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ đều có 5% nguy cơ sinh con dị tật bẩm sinh, nhưng có hơn 70% dị tật bẩm sinh có thể ngăn chặn, chữa khỏi hoặc cải thiện từ giai đoạn trong bào thai và giai đoạn sơ sinh. Chính vì vậy, việc triển khai chương trình sàng lọc trước sinh và sau sinh là điều kiện tốt nhất để giảm thiểu tối đa tỷ lệ trẻ sơ sinh bị dị tật.
Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội Tạ Quang Huy, chương trình sàng lọc còn gặp không ít khó khăn. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết và lợi ích của công tác này. Do đó, người dân cần nhận thức rằng, việc thực hiện sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh không chỉ là chuyện cá nhân của mỗi gia đình, mà chính là bước đi lâu dài của ngành Dân số nói riêng và cả xã hội nói chung vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giống nòi.
Bác sĩ Dương Ngọc Vân, chuyên ngành sản khoa, Bệnh viện Đa khoa Medlatec cho rằng, tại nhiều cơ sở y tế, tỷ lệ thai phụ đi khám thai định kỳ trong những tuần thai đầu tiên khá cao, nhưng nhiều người vẫn còn thờ ơ với việc khám sàng lọc và chẩn đoán dị tật thai nhi. Ngoài ra, việc không tuân thủ chỉ định của bác sĩ, dẫn đến thực hiện siêu âm, xét nghiệm không đúng thời điểm, rất khó phát hiện chính xác các dị tật bẩm sinh của trẻ. Nhiều trường hợp không muốn lấy mẫu máu gót chân cho con, xin xuất viện sớm hoặc lo lắng thái quá cho sức khỏe của con, sợ con đau.
“Tất cả trường hợp mang thai nên thực hiện sàng lọc trước sinh, nhất là trường hợp có nguy cơ cao, như: Phụ nữ có thai ngoài 35 tuổi; kết hôn cận huyết; tiền sử gia đình có bố mẹ hoặc con bị dị tật hay mắc một số bệnh lý di truyền; từng sinh non, sinh con dị tật hoặc bị sảy thai, thai lưu không rõ nguyên nhân; mẹ bầu bị cảm cúm, rubella; bố hoặc mẹ thường xuyên tiếp xúc hoặc làm việc trong môi trường hóa chất độc hại…”, bác sĩ Dương Ngọc Vân khuyến cáo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.