Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỉ là liệu pháp tinh thần!

Thu Trang| 07/12/2015 07:28

(HNM) - Bất an trước thực phẩm

Nhập nhằng công năng

Từ khi mua được thiết bị theo lời quảng cáo là kiểm tra được dư lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng chất phóng xạ… trong rau, quả, thực phẩm, chị Âu Bích Vân (phường Việt Hưng, quận Long Biên) cảm thấy yên tâm hơn với bữa ăn hằng ngày. Chị Vân cho biết, thiết bị kiểm tra đó nhỏ gọn và chỉ cần đặt nó vào các loại thực phẩm gia đình sử dụng hằng ngày, sau chừng 20 giây, nếu thực phẩm không bảo đảm thì màn hình thiết bị từ xanh lá cây chuyển sang màu đỏ với dòng chữ “Dangerous concentration of nitrates” (nồng độ nitrat vượt quá mức cho phép).

Lực lượng chức năng kiểm tra độ PH trong thực phẩm bày bán trên thị trường. Ảnh: Bảo Lâm



Hiện trên thị trường có bán rất nhiều bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm, thiết bị đo độ an toàn của thực phẩm. Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP) - (Bộ Y tế), hiện đơn vị này đã cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành cho 22 bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm đủ điều kiện theo quy định của Thông tư 11/2014/TT-BYT ngày 18-3-2014 của Bộ Y tế, quy định quản lý bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm, trong đó có một bộ xét nghiệm nhanh dạng máy đo (bộ xét nghiệm nhanh dư lượng nitrat trong rau, củ, quả, thịt tươi). Tuy nhiên, mới đây, trên một số trang thông tin điện tử: http://maydoan toanthucpham.net; http://maydo thucpham.com đã đưa tin, quảng cáo thổi phồng công dụng máy đo ATTP SOEKS NUC-019-1, đó là máy kiểm tra dư lượng nitrat, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản trong rau, củ, quả và cho kết quả chính xác trong 20 giây. Nội dung quảng cáo này sai lệch so với hồ sơ đăng ký lưu hànhthiết bị.

Đề cập đến độ tin cậy của các thiết bị kiểm soát ATTP trên thị trường, PGS.TS Ngô Tiến Hiển, Chủ tịch Hội Khoa học - Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thực phẩm và Công nghiệp môi trường khẳng định, không chiếc máy thử nhanh nào có thể kiểm tra được tất cả các dư lượng chất độc hại trên thực phẩm. Mới đây, tại một cuộc hội thảo về ATTP, PGS.TS Ngô Tiến Hiển cũng được một công ty giới thiệu về chiếc máy đo độ ATTP. Tuy nhiên, loại máy này chỉ có tác dụng kiểm tra được chỉ số nitrat tồn dư trên rau quả. Nếu thiết bị chỉ kiểm tra được nitrat tồn dư trong thực phẩm thì mới chỉ phản ánh một mặt, chưa đủ khả năng phát hiện các nhiễm độc khác. Mặc dù nitrat tồn dư trong thực phẩm là mối nguy hại lớn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng thật sai lầm khi nghĩ rằng hàm lượng nitrat ở ngưỡng an toàn là thực phẩm an toàn. Bởi vì ngoài nitrat còn nhiều chất độc hại khác mà một chiếc máy xét nghiệm nhanh đơn giản không thể làm được.

“Phải gọi chiếc máy này là máy đo dư lượng nitrat trong thực phẩm chứ không nên gọi là máy đo ATTP để người tiêu dùng không hiểu lầm về công năng của nó. Do đó, việc mua máy thử nitrat chỉ như một liệu pháp tinh thần là chính chứ không giải quyết được gốc rễ của vấn đề”, PGS.TS Ngô Tiến Hiển nói.

Cũng theo PGS.TS Ngô Tiến Hiển, ngay cả máy sục nước ozone mà không ít gia đình đang sử dụng để loại bỏ các hóa chất độc hại trong thực phẩm cũng chỉ hiệu quả một phần, chứ chưa triệt để loại bỏ hoàn toàn các chất độc hại. Thế nhưng, có đơn vị lại quảng cáo quá mức công dụng của những thiết bị này gây hiểu lầm đối với người tiêu dùng.

Chỉ mang tính tham khảo

Theo các chuyên gia, hiện có khá nhiều loại thiết bị đo dư lượng các loại kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật… trong thực phẩm ở dạng bộ kít thử nhanh. Các bộ kít thử độc tố thực phẩm có hàng chục loại khác nhau và điều hạn chế là mỗi loại kít chỉ có thể nhận biết được một loại chất như hàn the, kiểm tra độ sạch bát đĩa, nước cứng, thuốc trừ sâu, phẩm màu, formon, nitrat... Theo đó, để biết được một món thực phẩm có nhiễm thuốc trừ sâu, hàn the… hay không có thể phải bỏ ra tới hàng trăm nghìn đồng một lần thử. Tuy nhiên, những thiết bị này chỉ có vai trò sàng lọc, còn muốn chính xác phải kiểm tra tại các phòng thí nghiệm.

Để người tiêu dùng hiểu đúng về khả năng xét nghiệm của các bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho rằng, theo quy định tại Thông tư 11/2014/TT-BYT ngày 18-3-2014 của Bộ Y tế quy định quản lý bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm, các bộ xét nghiệm nhanh trước khi lưu hành trên thị trường phải được Cục ATTP thẩm định và cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành. Mặt khác, kết quả thu được khi sử dụng bộ xét nghiệm nhanh thực phẩm chỉ là kết quả ban đầu, mang ý nghĩa sàng lọc, định hướng cho các thử nghiệm khẳng định tiếp theo trong phòng thí nghiệm. Trên thị trường có nhiều bộ sản phẩm giúp phát hiện các độc tố trên thực phẩm, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ điều này và cân nhắc trước khi chọn mua để tránh lãng phí tiền bạc.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thực phẩm nhấn mạnh, người dân không thực sự cần thiết phải dùng các máy này bởi khả năng đo các loại độc tố của chúng rất hạn chế. Nhà nước cần có cơ chế nghiêm khắc hơn nữa trong việc kiểm soát chất lượng thực phẩm trước khi ra thị trường, chứ không phải để người tiêu dùng “tự bơi”, tự phòng vệ bằng những loại thiết bị nào đó.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chỉ là liệu pháp tinh thần!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.