Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chạy theo đám cháy!

Thu Trang| 06/04/2014 06:44

(HNM) - Tại hội nghị tổng kết công tác thanh tra y tế năm 2013 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2014, do Bộ Y tế tổ chức vào ngày 4-4 tại Hà Nội, báo cáo công tác thanh tra - kiểm tra 3 lĩnh vực


Kiểm tra là ra vi phạm

Vấn đề khiến người tiêu dùng luôn cảm thấy lo lắng, bất an chính là công tác bảo đảm ATVSTP. Theo báo cáo của Thanh tra Bộ Y tế, riêng trong công tác thanh tra y tế dự phòng năm 2013, toàn ngành đã thành lập gần 30.000 đoàn thanh tra, kiểm tra về ATVSTP, trong đó, thanh tra Bộ đã phát hiện, xử phạt 67 cơ sở với số tiền 950 triệu đồng; 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố đã phát hiện hơn 95.200/679.000 cơ sở vi phạm, trong đó có gần 6.500 cơ sở bị xử phạt với số tiền gần 12,7 tỷ đồng, 62 cơ sở bị đình chỉ hoạt động… Những lỗi vi phạm chủ yếu liên quan đến điều kiện vệ sinh cơ sở kinh doanh dịch vụ, trang thiết bị, dụng cụ, chất lượng sản phẩm… Đáng chú ý là trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các ngành chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng như sử dụng phụ gia thực phẩm, hóa chất ngoài danh mục, quá giới hạn cho phép; vận chuyển sản phẩm lòng, nầm bò, thịt gia cầm, gia súc đã bị thiu thối...

Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác ATVSTP tại Trung tâm Dịch vụ sinh viên, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Tuấn Vũ


Đối với công tác thanh tra việc khám, chữa bệnh, riêng 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố đã thực hiện thanh tra, kiểm tra đối với 8.400 cơ sở hành nghề y tư nhân, phát hiện hơn 1.540 cơ sở vi phạm, cảnh cáo 92 cơ sở, đình chỉ hoạt động gần 200 cơ sở, tước giấy phép hoạt động của 4 cơ sở, gần 1.530 cơ sở bị phạt hành chính với tổng số tiền hơn 10,5 tỷ đồng. Hầu hết vi phạm của các cơ sở này liên quan đến việc thực hiện quy chế chuyên môn như không có số giấy phép hoạt động, tên cơ sở không đúng như đã được ghi trong giấy phép, không có tên người phụ trách chuyên môn, không có chứng chỉ hành nghề nhưng vẫn thực hành khám chữa bệnh...

Công tác thanh tra trong lĩnh vực dược cũng cho thấy những điều đáng báo động. Lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều loại thuốc không đạt tiêu chuẩn, thuốc hết hạn sử dụng, thuốc chưa qua kiểm định chất lượng vẫn được lưu hành. Đã có những cơ sở bán buôn có hành vi bán lẻ thuốc khi chưa được Sở Y tế thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn GPP. Cục Quản lý Dược đã tiến hành kiểm tra và xử phạt 5/12 cơ sở vi phạm quy định về chất lượng thuốc, vi phạm về hoạt động dịch vụ bảo quản thuốc khi chưa đủ cơ sở pháp lý với số tiền 70 triệu đồng. Kết quả kiểm tra của 63 Sở Y tế tỉnh, thành phố cho thấy, trong số gần 16.000 cơ sở được kiểm tra có gần 2.200 cơ sở vi phạm quy định chung, 66 cơ sở bị đình chỉ hoạt động, 1.950 cơ sở bị phạt hành chính với tổng số tiền 7,65 tỷ đồng, 55 khoản thuốc hết hạn sử dụng đã bị tịch thu.

Báo cáo công tác thanh tra, kiểm tra của ngành y tế đã cho thấy tình hình vi phạm quy định trong lĩnh vực y tế là phổ biến; chất lượng công tác quản lý ngành, quản lý địa bàn còn nhiều hạn chế.

Năm 2014, Thanh tra Bộ Y tế sẽ tiến hành thanh tra toàn diện các cơ sở y tế hành nghề y, dược ngoài công lập tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ; tiếp nhận và triển khai hiệu quả đường dây nóng của Bộ Y tế; thanh tra toàn diện công tác bệnh viện tại 3 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; thanh tra công tác quản lý nhà nước về giá thuốc, đấu thầu thuốc tại sở y tế 4 tỉnh, thành phố.

Thanh tra yếu, thanh tra thiếu, thanh tra chậm…

Dù đã đưa ra ánh sáng nhiều vụ vi phạm nhưng có một thực tế khó phủ nhận là với nhiều vụ việc, chỉ sau khi hậu quả nghiêm trọng xảy ra, báo chí thông tin thì thanh tra y tế mới rốt ráo vào cuộc. Điều đó thể hiện chất lượng đội ngũ thanh tra còn yếu, chính quyền một số địa phương lơ là công tác quản lý địa bàn hay còn gì nữa?

Về vấn đề quản lý cơ sở y tế ngoài công lập, Chánh Thanh tra Bộ Y tế Đặng Văn Chính cho rằng cần phải tính đến một nguyên nhân quan trọng là lực lượng thanh tra còn thiếu về số lượng và yếu về chuyên môn. Cả nước hiện có 157 bệnh viện tư nhân, hơn 30.000 phòng khám tư nhân và cơ sở dịch vụ y tế, trong khi đó, lực lượng thanh tra viên quá "mỏng", chỉ có 290 người nên việc thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện thường xuyên, chưa thể sâu sát trước diễn biến thực tế. Mặt khác, ở các địa phương, số lượng cán bộ thanh tra không ổn định, thường xuyên luân chuyển công tác, trình độ chuyên môn của đội ngũ này cũng chưa đồng đều. Điển hình là tại Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, đơn vị có số lượng cán bộ thanh tra y tế nhiều nhất toàn quốc, cũng chỉ có 18 thanh tra về y - dược, trong khi trên địa bàn có tới 13.000 cơ sở hành nghề lĩnh vực liên quan. Lực lượng mỏng nên trong một năm, lực lượng thanh tra chỉ bao quát được một nửa số cơ sở hành nghề, phải mất ít nhất hai năm sau mới có thể thanh tra trở lại đối với một cơ sở nào đó. Tại Hà Nội, tổng số cán bộ thanh tra là 14 người, trong đó, với lĩnh vực y và dược thì mỗi bộ phận chỉ có 4 thanh tra viên nhưng phải quản lý hơn 2.000 cơ sở hành nghề y và hơn 2.800 cơ sở hành nghề dược ngoài công lập.

Một chuyên gia trong ngành y ví thanh tra, nhà quản lý y tế như lính cứu hỏa, những vụ vi phạm trong lĩnh vực y - dược như đám cháy và sự thể đang cho thấy nhà cháy rụi mới thấy bóng cứu hỏa. Vị này cho rằng công tác thanh tra, kiểm tra chỉ thực sự rộ lên sau khi có sự cố xảy ra. Như sau khi vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường thì các bệnh viện mới vội vã yêu cầu các bác sĩ có phòng khám tư phải báo cáo, thanh tra từ Bộ đến Sở rốt ráo kiểm tra những cơ sở khám chữa bệnh, thẩm mỹ viện tư nhân.

Thanh tra yếu, thanh tra thiếu là chuyện không riêng có ở ngành y. Chính quyền một số địa phương còn có biểu hiện buông lỏng việc quản lý địa bàn cũng không chỉ liên quan đến lĩnh vực y tế. Tuy thế, liệu có nên nghe mãi điệp khúc này khi y - dược vốn liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng nhân dân?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chạy theo đám cháy!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.