Từ tháng 8-2024, thành phố Hà Nội bắt đầu triển khai kế hoạch chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội”.
Kế hoạch này được triển khai ngay trước thềm năm học mới 2024-2025 được kỳ vọng góp phần nâng cao hiệu quả quản lý an toàn thực phẩm, hạn chế các vụ ngộ độc xảy ra với học sinh. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế Hà Nội) Đặng Thanh Phong về những mục tiêu và nội dung mà thành phố đặt ra trong kế hoạch này.
Huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương
- Tại kế hoạch “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội”, mục tiêu chính được thành phố đặt ra là gì, thưa ông?
- Mục tiêu được đặt ra trong kế hoạch này là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học. Cùng với đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định về an toàn thực phẩm. Đặc biệt, kiểm soát an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học nhằm đẩy mạnh công tác phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm đối với học sinh từ mầm non đến trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố. Trong kế hoạch này, thành phố chú trọng triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nhóm thực phẩm có nguy cơ cao, các cơ sở cung cấp suất ăn sẵn.
- Xin ông cho biết, kế hoạch chuyên đề lần này có gì khác so với những kế hoạch, mô hình kiểm soát an toàn thực phẩm trong trường học từng triển khai trước đó?
- Vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trong trường học là vô cùng quan trọng. Bởi nó có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sự phát triển về thể chất và trí tuệ của thế hệ trẻ. Do đó, Hà Nội luôn đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm trường học; phòng, chống ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể trường học. Với những kế hoạch, mô hình về kiểm soát an toàn thực phẩm trong trường học trước đây tập trung quản lý ở góc độ chuyên môn với sự tham gia chủ yếu của ngành Y tế và ngành Giáo dục và đào tạo. Còn với kế hoạch chuyên đề lần này là huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương. Cụ thể, UBND quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học. Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa chính quyền địa phương, giữa các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị - xã hội.
- Theo ông, thách thức lớn nhất trong công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm trường học hiện nay là gì?
- Hà Nội có hơn 4 nghìn bếp ăn tập thể trường học. Hiện nay, đa số các trường đã đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng bếp ăn theo nguyên tắc một chiều. Tuy nhiên, một số bếp ăn có diện tích khu sơ chế và chế biến chật hẹp; chưa vận hành theo nguyên tắc một chiều; kho bảo quản thực phẩm còn sắp xếp lộn xộn, chưa có lưới chắn côn trùng; nhân viên tham gia chế biến chưa chấp hành đầy đủ chế độ vệ sinh cá nhân theo quy định… Mặt khác, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm cung cấp cho bếp ăn tập thể có nơi chưa được triển khai thường xuyên và đến tận cơ sở nuôi trồng, giết mổ.
Bên cạnh đó, vấn đề đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng các quán hàng, gánh hàng rong tự phát xung quanh cổng trường. Tại các quán hàng này, nguồn gốc thực phẩm không rõ ràng kéo theo nguy cơ gây hại cho sức khỏe của học sinh. Thế nhưng, nhân lực tại các quận, huyện, thị xã được phân công theo dõi về chất lượng, an toàn thực phẩm đa số đều kiêm nhiệm, thiếu cán bộ chuyên trách và chuyên môn phù hợp, luôn thay đổi vị trí công tác. Mặt khác, việc xử lý vi phạm ở tuyến xã, phường, thị trấn đã được đẩy mạnh nhưng kết quả còn hạn chế.
Công tác kiểm tra phải được thực hiện liên tục, có hiệu quả
- Xin ông cho biết, thời điểm hiện tại, chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn Hà Nội” được triển khai như thế nào?
- Thời điểm này, các quận, huyện, thị xã bắt đầu triển khai kế hoạch này đến UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ sở giáo dục có bếp ăn bán trú trên địa bàn. Đồng thời, tiến hành rà soát, thống kê các cơ sở giáo dục, bếp ăn tập thể, căng tin trường học, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học trên địa bàn theo từng ngành hàng, mặt hàng. Cùng với đó, tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, thực hành về bảo đảm an toàn thực phẩm và tổ chức thẩm định cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện hoặc ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm…
- Theo kế hoạch mới này, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học được triển khai theo hình thức nào để mang lại hiệu quả, thưa ông?
- Phương thức kiểm tra được phân cấp từ thành phố đến quận, huyện, thị xã. Cụ thể, Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm của thành phố thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra định kỳ, đột xuất, đánh giá hiệu quả triển khai các hoạt động chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học” tuyến quận, huyện, thị xã. Cấp quận, huyện, thị xã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, định kỳ xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của bếp ăn tập thể, căng tin trường học, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm theo quy định. Yêu cầu được đặt ra là công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, có hiệu quả và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm, đồng thời đưa tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Riêng với công tác quản lý an toàn thực phẩm xung quanh cổng trường học, để bảo vệ sức khỏe cho học sinh, các quận, huyện, thị xã phải triển khai quyết liệt; thông qua việc phối hợp với chính quyền xã, phường, thị trấn cùng với lực lượng công an, dân phòng, tổ dân phố… tiến tới hạn chế, đẩy lùi sự tồn tại của các quán hàng rong gây mất an toàn thực phẩm.
- Ông có đề xuất thêm giải pháp gì để tăng cường công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trường học trong thời gian tới?
- Vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm trường học không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền, của nhà trường mà còn của cả phụ huynh và học sinh. Theo tôi, chúng ta cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm cho học sinh. Qua đó, giúp các em biết cách lựa chọn các thực phẩm bảo đảm an toàn, nói không với các quán hàng, thức ăn đường phố không an toàn. Bên cạnh đó, người dân, nhất là phụ huynh học sinh khi phát hiện thấy quán hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm trước cổng trường hoặc phát hiện cơ sở có dấu hiệu vi phạm an toàn thực phẩm cần thông tin đến cơ quan chức năng để cùng vào cuộc xác minh, xử lý. Cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, các trường cần tăng cường giám sát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào hằng ngày. Đồng thời, các trường phải tổ chức các đoàn kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm mà đơn vị ký hợp đồng cung cấp cho trường. Điều quan trọng nữa là người sản xuất và kinh doanh phải tự nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng; không vì lợi nhuận trước mắt mà làm ảnh hưởng xấu đến sự phát triển toàn diện của trẻ.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.