(HNM) - Việc một số trang chuyên về du lịch thế giới thống kê, du lịch Hà Nội có chi phí trong ngày dành cho du khách rẻ nhất thế giới không làm nhiều người ngạc nhiên, bởi các loại chi phí cơ bản như ăn, ở, đi lại, phí tham quan thắng cảnh trên địa bàn Thủ đô luôn ở mức
Với mức chi phí rẻ, hẳn khách "du lịch bụi" hay còn gọi "Tây ba lô" sẽ hài lòng khi đến Hà Nội trải nghiệm "đời sống đường phố". Và ở mặt nào đó, lượng khách này tăng, người kinh doanh dịch vụ cũng sẽ bán được nhiều sản phẩm hơn.
Song, được xếp hạng chi phí du lịch rẻ liệu có đáng mừng? Thực tế, chi phí du lịch rẻ chỉ là một lợi thế để thu hút du khách. Trong khi tăng trưởng du lịch bền vững còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác quan trọng hơn, như thời gian lưu trú dài hơn, có nhiều sản phẩm để du khách phải "móc hầu bao" chi tiêu nhiều hơn… từ đó, du lịch tạo ra nhiều việc làm, mang lại nguồn thu lớn cho đất nước.
Điểm cần lưu ý là hiện nay, xu hướng du khách tìm kiếm những trải nghiệm cá nhân ngày càng nhiều hơn. Tức là hình thức "du lịch bụi" sẽ tiếp tục phát triển và việc khai thác thế nào cho hiệu quả với đối tượng du khách này là bài toán đặt ra cho ngành Du lịch. Yếu tố "ngon, bổ, rẻ" vẫn không thể bỏ qua, nhưng trên bình diện chung, chúng ta không thể thu hút khách du lịch bằng mọi giá chỉ với yếu tố giá rẻ, để rồi trở thành "túi rác" chứa những du khách vừa du lịch vừa tranh thủ kiếm tiền, tranh việc làm của người bản địa, sống "ký sinh", đi hát rong, bán bưu thiếp,... xin tiền.
Do vậy, việc thu hút được nhiều du khách bởi giá rẻ, nhất là người nước ngoài là tín hiệu tốt, song, đi kèm với đó luôn phải đặt sự đa dạng sản phẩm (giá rẻ, trung cấp và cao cấp), chất lượng dịch vụ, chất lượng điểm đến lên hàng đầu. Đây chính là một cách góp phần cho du khách muốn lưu lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn, trở lại nhiều lần nữa hoặc chính họ trở thành "đại sứ du lịch" cho Hà Nội khi về nước.
Nhận thức rõ mặt mạnh, ngành Du lịch Thủ đô đang kiên trì với những chiến lược dài hơi, mang tính bền vững. Bên cạnh những giá trị truyền thống văn hóa bản địa, lịch sử, thiên nhiên, con người thân thiện, ẩm thực phong phú tiếp tục được giữ gìn, phát huy, Hà Nội đã, đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, hoàn thiện, nâng cao hạ tầng du lịch để giữ chân du khách ở lại lâu hơn, chi tiêu nhiều hơn.
Điều quan trọng hiện nay là ngành Du lịch Thủ đô cần xác định đa dạng hóa sản phẩm du lịch theo hướng sáng tạo gắn với truyền thống, phục vụ tốt mọi du khách, trên cơ sở tăng trưởng lợi nhuận tương xứng. Vì vậy, dù là kinh doanh sản phẩm du lịch giá rẻ hay cao cấp, các đơn vị lữ hành cần đề cao trách nhiệm, uy tín, không làm ăn chộp giật, "được chăng, hay chớ"... Trước khi nghĩ đến doanh thu, cần quan tâm thỏa đáng lợi ích của du khách, lợi ích của cộng đồng. Với mỗi người dân cũng cần tiếp tục nâng cao ý thức với chính sản phẩm kinh doanh khi trao đổi, mua bán với du khách, đặc biệt là chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm...
Cùng với đó, ngành Du lịch cần quảng bá tốt hơn bằng các ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển du lịch thông minh. Làm sao để mọi lúc, mọi nơi du khách đều có thể tìm kiếm được những thông tin, chỉ dẫn về điểm du lịch chính xác, thân thiện. Qua đó, tạo sự yên tâm, tin tưởng cho du khách để chọn Thủ đô là điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Việt Nam.
Du lịch được xem là lĩnh vực đặc thù của sự kết hợp giữa văn hóa và kinh tế để đóng góp vào sự phát triển chung. Hà Nội lại là một trung tâm văn hóa lớn hàng đầu đất nước. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các yếu tố này chắc chắn sẽ tạo dựng một thương hiệu du lịch Thủ đô mạnh, chất lượng trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.