Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chất lượng đời sống người có công đang ngày càng tăng

Minh Bắc| 26/07/2016 23:54

(HNMO) - Các chính sách ưu đãi người có công (NCC) đều hướng đến giúp gia đình, thân nhân họ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Vì thế, đến thời điểm này đã có trên 97% hộ gia đình NCC đạt mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải thăm hỏi ân cần các thương-bệnh binh tại Trung tâm điều dưỡng NCC số 2. (ảnh: Báo Lao động Thủ đô)



Tính đến nay, cả nước có trên 8,8 triệu đối tượng người có công (chiếm gần 10%) dân số), gần 1,5 triệu người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Trong số đó có thân nhân của gần 1,2 triệu liệt sĩ và trên 117 nghìn bà mẹ được Nhà nước phong, truy tặng Danh hiệu vinh dự của Nhà nước Mẹ Việt Nam Anh hùng; gần 800.000 thương binh và người hưởng chính sách như thương binh… Ngoài ra, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội còn thực hiện chế độ trợ cấp ưu đãi với hàng vạn thanh niên xung phong…

Hiện Nhà nước đang thực hiện nhiều chính sách cho người có công như trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hàng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, phương tiện trợ giúp, chỉnh hình; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; được ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, vay vốn sản xuất, miễn giảm thuế; hỗ trợ cải thiện nhà ở...

Và một chính sách đặc biệt khác nữa cũng rất được Đảng và Nhà nước quan tâm đó là chính sách tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sỹ…

Những năm gần đây công tác tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin đã đạt nhiều kết quả. Đó là chúng ta đã sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để xác định liệt sỹ như phương pháp thực chứng, phương pháp giám định AND. Nhà nước đã dành kinh phí đầu tư nâng cấp các trung tâm giám định ADN của các bộ, ngành để đẩy nhanh việc xác định danh tính hài cốt liệt sỹ, góp phần làm vơi đi nỗi đau của bao gia đình...

Tuy nhiên do chính sách đối với NCC liên quan đến rất nhiều bộ, ngành thuộc: Quốc phòng, Công an, Nội vụ, Thanh niên xung phong, Thi đua khen thưởng… nên một số NCC do hồ sơ thất lạc không còn đối chứng, không còn giấy tờ gốc… do vậy, việc xác nhận để làm chế độ cho họ là còn khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này rất cần sự quy định trách nhiệm rõ ràng cho từng bộ, ngành, từng cấp để làm sao vừa đẩy nhanh tiến độ thực hiện vừa đúng, đủ chính sách đối với NCC. Hiện Bộ LĐTBXH đang tập trung nghiên cứu giải quyết những trường hợp như vậy.

Đại diện Bộ LĐTB&XH cho biết, khi không còn hồ sơ, không còn giấy tờ thì việc xác nhận gặp rất nhiều khó khăn nhưng với phương châm không để NCC nào không được hưởng chính sách của Nhà nước, chúng tôi sẽ nỗ lực trong việc đẩy nhanh việc kiểm chứng để xác nhận NCC.

Cũng cần thấy rằng chính sách “đóng” thì khó cho việc thực hiện, nhưng nếu chính sách quá mở thì có thể tạo điều kiện cho một số nhóm đối tượng trục lợi chính sách. Vì vậy, Bộ sẽ cân nhắc trong việc thực hiện sửa, hay không sửa thông tư 28 về việc công nhận NCC bị mất giấy tờ gốc.

Bộ đang cho một số tỉnh làm điểm về việc giải quyết công nhận NCC với những trường hợp mất giấy tờ gốc. Đối tượng NCC ở mỗi địa phương có những đặc thù khác nhau nên phải chờ kết quả thực hiện để rút kinh nghiệm sau đó mới triển khai nhân rộng việc thực hiện trong cả nước.

Riêng đối với Hà Nội, đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, nhân kỷ niệm 69 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2016), Hà Nội dành tặng quà cho NCC với kinh phí là 54,9 tỷ đồng...

Ngoài ra, Hà Nội cũng thăm và tặng quà cho 48 tập thể nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công thuộc thành phố và thuộc Bộ Lao động TB&XH; các đơn vị sản xuất kinh doanh của thương bệnh binh; 60 cá nhân tiêu biểu của 30 quận huyện, thị xã. Kinh phí tặng quà hơn 691,4 triệu đồng.

Đồng thời, nhiều NCC của Hà Nội cũng đã được Bộ LĐTB&XH khen thưởng về thành tích trong sản xuất phát triển kinh tế gia đình, giúp đỡ những người khác khó khăn hơn… Như anh Nguyễn Anh Tuấn, con trai duy nhất của liệt sỹ Nguyễn Văn Hướng, nguyên là chiến sỹ của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320. Sinh ra chưa biết mặt cha, mẹ lại bị tai nạn mất sớm, anh Hướng lớn lên trong sự dạy dỗ, đùm bọc của các thầy cô của Trường Nguyễn Viết Xuân (Trường nuôi dạy con em các liệt sỹ của TP Hà Nội). Vượt qua hoàn cảnh khó khăn, anh Hướng đã nỗ lực học tập và tốt nghiệp Đại học Sư phạm và Đại học Ngoại ngữ, sau đó hoàn thành tiếp chương trình thạc sỹ về công nghệ thông tin và kinh tế. Tốt nghiệp, anh Tuấn xin về Trường Nguyễn Viết Xuân với nguyện vọng được tiếp tục cống hiến, nuôi dạy các con em của các gia đình liệt sỹ tại chính ngôi trường đã cưu mang và đùm bọc nuôi nấng anh. Với sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, anh được cấp trên tin tưởng bổ nhiệm các chức vụ: Hiệu trưởng Trường Nguyễn Viết Xuân và nay là Phó trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội)…

Nhìn chung, hiện nay với những chính sách thiết thực của các cấp chính quyền và sự quan tâm của toàn xã hội, NCC đã được chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ về nhiều mặt để họ có cuộc sống ngày càng tốt hơn, phần nào bù đắp những hy sinh mà họ đã cống hiến cho đất nước...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng đời sống người có công đang ngày càng tăng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.