(HNMO) – Quy định về đại biểu chuyên trách tiếp tục
Theo đại biểu Phạm Đức Châu – Quảng Trị, đại biểu chuyên trách là người hoạt động thường xuyên và giữ những chức vụ quan trọng trong Quốc hội và địa phương, vì vậy, năng lực của đại biểu chuyên trách ảnh hưởng nhiều đến chất lượng và uy tín của Quốc hội.
Đại biểu Châu và nhiều đại biểu khác cho rằng, cần quy định rõ tiêu chuẩn, tuổi đời với đại biểu chuyên trách, đặc biệt là bổ sung tư cách đạo đức với đại biểu Quốc hội chuyên trách; quy định bắt buộc về thâm niên hoạt động trong lĩnh vực tham gia chuyên trách, đã tham gia Quốc hội ít nhất 1 nhiệm kỳ; quy định thời gian tối thiểu phải tiếp xúc cử tri trong nhiệm kỳ hoạt động...
Cụ thể hơn, đại biểu Lê Đình Khanh – Hải Dương cho rằng, theo quy định hiện hành, mức lương của đại biểu chuyên trách tương đương với mức lương của phó chủ tịch UBND tỉnh. Vì vậy, tiêu chuẩn của đại biểu chuyên trách cũng phải tương đương với tiêu chuẩn chức danh này.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa - Ảnh TTXVN |
Đại biểu Đỗ Văn Đương - TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, do đó, tiêu chuẩn của mỗi đại biểu phải gắn chặt với tiêu chí này, phải trung thành với lợi ích của quốc gia, dân tộc, nhân dân. Đại biểu Quốc hội phải có chính kiến, độc lập trong suy nghĩ và hành động, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
"Đại biểu chuyên trách phải có phẩm chất khác với đại biểu Quốc hội nói chung, phải có những tiêu chuẩn cao. Về trình độ năng lực, ngoài tổ chất bẩm sinh, được đào tạo bài bản, đại biểu chuyên trách phải từng trải qua thực tiễn, tinh thông nghiệp vụ. Ví dụ như trong lĩnh vực tư pháp, đại biểu chuyên trách đọc hồ sơ phải biết được oan sai; xem báo cáo phải phát hiện được chỗ nào là ngụy biện, chỗ nào là thực chất…, chứ nếu không thì vai trò thẩm tra, giám sát là rất hạn chế", đại biểu Đương nói.
Vì vậy, đại biểu Đương đề xuất, đại biểu chuyên trách phải là chuyên viên cao cấp và phải có 15 năm làm thực tiễn, hạn chế lựa chọn những người có chức vụ.
Cùng góp ý về chất lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu Lê Bộ Lĩnh – An Giang đề xuất, để đảm bảo tính chuyên nghiệp trong hoạt động Quốc hội, nên cân nhắc việc khống chế tỷ lệ cán bộ quản lý cũng như mở rộng đối tượng cán bộ quản lý tham gia Quốc hội sau khi nghỉ hưu.
Về tỷ lệ đại biểu chuyên trách trong cơ cấu tổ chức Quốc hội, đa số đại biểu nhất trí như quy định của dự luật: số đại biểu chuyên trách chiếm ít nhất 35% tổng số đại biểu Quốc hội. Làm rõ thêm về tỷ lệ này, đại biểu Trương Minh Hoàng – Cà Mau cho rằng, nếu được, mỗi đoàn đại biểu Quốc hội địa phương nên có ít nhất 2 đại biểu chuyên trách.
2/3 đại biểu QH đồng ý mới bỏ phiếu tín nhiệm là quá cao
Theo quy định của dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi), người có từ 2/3 tổng số đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “Tín nhiệm thấp” thì Ủy ban thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, tỷ lệ này là quá cao, chỉ cần 1/2 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp với một chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu là đã đủ điều kiện để bỏ phiếu tín nhiệm với người đó.
Ngoài ra, các đại biểu nhất trí đề nghị Quốc hội nên bổ sung việc lấy phiếu tín nhiệm với chức danh Chủ tịch Hội đồng bầu cử và Tổng thư ký Quốc hội vì những người này cũng giữ chức vụ do Quốc hội bầu.
Ngoài thảo luận về dự thảo Luật tổ chức Quốc hội, trong ngày hôm nay, Quốc hội đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Dự thảo Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gồm 76 điều thể hiện trong 10 chương. Theo Chính phủ, để khắc phục những bất cập nảy sinh trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo theo ngành, lĩnh vực, cần áp dụng một phương thức mới: phương thức quản lý tổng hợp. Phương thức này có vai trò điều chỉnh hoạt động của con người để bảo vệ tính toàn vẹn về chức năng và cấu trúc của hệ sinh thái, duy trì và cải thiện năng suất của hệ sinh thái, qua đó, bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, môi trường biển và hải đảo được bảo vệ; hài hòa được lợi ích của các bên liên quan trong khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.