(HNM) - Ngày 16-1, thập kỷ cô lập của Iran đã kết thúc bằng sự kiện Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) tuyên bố dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Tehran.
Trên thực tế, Iran và quốc tế đã chuẩn bị cho việc dỡ bỏ cấm vận từ cách đây nhiều tháng. Hàng trăm đoàn doanh nghiệp từ phương Tây đã tới Iran để "tìm hiểu" thị trường và lên kế hoạch hậu cấm vận. Theo nhiều nhà phân tích chính trị và kinh tế, dù lệnh cấm vận do Mỹ và EU áp đặt Iran sẽ được dỡ bỏ từ từ trong 10 năm tới, song ngay trong năm đầu tiên, kinh tế quốc gia Hồi giáo có thể tăng trưởng ít nhất 4%. Chưa kể, số tiền khổng lồ 90-120 tỷ USD bị đóng băng ở nước ngoài, trong đó 40-60 tỷ USD là các nguồn thu từ dầu mỏ sẽ ngay lập tức được trao trả. Dự kiến, Iran cũng sẽ thu được 20 tỷ USD tiền xuất khẩu dầu mỏ trong thời gian tới. Đây là tiền đề để Tehran thúc đẩy nền kinh tế vốn trì trệ trong thập kỷ cấm vận vừa qua.
Ngoại trưởng Iran J.Zarif (trái), Tổng Giám đốc IAEA (giữa) Y.Amano và Cao ủy EU về chính sách an ninh và đối ngoại F.Mogherini tại trụ sở Liên hợp quốc ở Vienna (Áo) trong lễ công bố dỡ bỏ trừng phạt. |
Nhìn lại, từ tháng 8-2002, trang đầu tiên của hồ sơ về chương trình hạt nhân Iran bắt đầu xuất hiện khi các lò phản ứng hạt nhân bí mật tại thành phố Natan và Arak ở miền Trung nước này bị phát hiện. Cũng từ đó, quá trình đàm phán giữa Iran với phương Tây kéo dài hơn 12 năm với không ít lần đổ vỡ; thậm chí có lúc tới sát bờ vực chiến tranh. Những trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) với Iran được áp đặt từ tháng 12-2006 càng khiến quá trình đàm phán lâm vào bế tắc.
Sự thiếu tin tưởng từ cả hai phía, đặc biệt, mối quan hệ tồi tệ giữa hai "đối tác" chính là Mỹ và Iran tồn tại từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 làm trầm trọng thêm cách nhìn khác biệt về mục đích của chương trình hạt nhân của Tehran. Các nước phương Tây cho rằng, chương trình hạt nhân của Iran nhằm hướng tới sở hữu vũ khí hạt nhân còn Tehran khẳng định chỉ nhằm mục đích dân sự. Trong khi đó, kết quả các đợt thanh sát của LHQ tại các cơ sở hạt nhân của Iran cho thấy giới hạn giữa khái niệm "dân sự" và "quân sự" thật mong manh.
10 năm qua, nền kinh tế Iran nhiều lần lâm vào khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Các lệnh trừng phạt đặc biệt nhắm vào Ngân hàng trung ương Iran dẫn đến đồng nội tệ mất giá nhanh chóng, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế gần như bằng không đẩy người dân vào tình trạng ngặt nghèo, nhiều người không có tiền để được chăm sóc y tế cơ bản.
Là một cường quốc có vai trò không thể bỏ qua ở Trung Đông, vì vậy, sự kiện dỡ bỏ lệnh trừng phạt không chỉ tạo ra cơ hội phát triển ổn định cho Iran mà còn là bước ngoặt đầu tiên mở đường cho việc bình thường hóa quan hệ giữa Iran và phương Tây. Từ đó, hai bên mở ra một chương hợp tác mới nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng hiện nay tại Iraq và Syria. Còn với cộng đồng quốc tế, đây là một thành công lịch sử sau nhiều nỗ lực của các bên. Sự kiện này sẽ góp phần thúc đẩy giải quyết nhiều điểm nóng trên thế giới thông qua con đường ngoại giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.