Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chấn hưng, phát triển để văn hóa và con người Việt Nam ngày càng bừng sáng

Hương Ly| 24/11/2021 18:24

(HNMO) - Chiều 24-11, Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng do Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức tiếp tục diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Chủ trì phiên thảo luận buổi chiều có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - Trưởng ban Chỉ đạo hội nghị Nguyễn Trọng Nghĩa, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng.

Dự hội nghị tại điểm cầu các tỉnh, thành ủy, các Đảng ủy trực thuộc Trung ương có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị.

Dự hội nghị tại điểm cầu thành phố Hà Nội có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo HĐND thành phố, UBND thành phố, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; các đồng chí Thành ủy viên là bí thư các quận, huyện, thị ủy chủ trì tại các điểm cầu quận, huyện, thị xã; các đồng chí Thường trực Hội Liên hiệp Văn học - Nghệ thuật, đại diện lãnh đạo các hội chuyên ngành trực thuộc.

Tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội còn có các báo cáo viên thành phố thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội…

Khơi dậy tinh thần, cống hiến, đổi mới sáng tạo của nhân dân

Phát biểu định hướng tại phiên họp buổi chiều, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh: Hội nghị đã có đánh giá hệ thống, cơ bản và phong phú về những kết quả 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước. Từ ý kiến chỉ đạo tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội nghị cần xác định những nội dung cụ thể để từ đó đề xuất những kiến nghị, giải pháp khả thi, thiết thực, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước đặt ra.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, những ý kiến phát biểu chỉ đạo với tất cả tâm huyết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không những cụ thể hóa đường lối Đại hội XIII của Đảng mà còn nhiều vấn đề mang tầm chiến lược. Trong bài phát biểu chỉ đạo, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 5 lần nhấn mạnh cụm từ: “Chấn hưng, phát triển văn hóa đất nước”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các đại biểu tham gia hội nghị tập trung thảo luận và làm rõ: Ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị; làm rõ những vấn đề lý luận, thực tiễn về vai trò của văn hóa trong sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước, tìm ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức về văn hóa. Từ đó, chuyển hóa nhận thức thành hành động, đưa phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển sâu rộng, thực chất, thực sự là phong trào tự nguyện, tự giác của người dân, từng gia đình, tập thể cộng đồng.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị hội nghị tiếp tục nghiên cứu, thảo luận làm rõ thành tựu, hạn chế trong thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương phát triển của Đảng, bằng pháp luật, cơ chế, chính sách đồng bộ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, khơi dậy tinh thần, cống hiến, đổi mới sáng tạo của nhân dân, đặc biệt là đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ. Đồng thời, tìm ra những giải pháp cụ thể, phù hợp để xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa…

Xây dựng môi trường văn hóa nhân bản, lành mạnh và tiến bộ

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã hoạch định đường lối đất nước đến năm 2030 - tầm nhìn đến 2045 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2045 đất nước ta trở thành đất nước công nghiệp phát triển. Với trách nhiệm của mình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ là sớm cụ thể hóa chiến lược về kinh tế, xã hội, phát triển đất nước gắn với chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 và chiến lược văn hóa đối ngoại.

Chiến lược tập trung thể hiện 5 quan điểm lớn, gồm: Định hình văn hóa, xác định vị trí của văn hóa; Xây dựng, phát triển văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng cộng đồng văn hóa dân tộc; Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng cho con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: Yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo; Phát huy mọi nguồn lực để phát triển văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; Chủ động hợp tác và quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới.

Để khơi dậy những động lực và sức mạnh văn hóa, GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, trước hết phải tạo ra được một xã hội có môi trường văn hóa nhân bản, lành mạnh và tiến bộ, mọi thứ trong môi trường đó phải rõ ràng, minh bạch. Trong xã hội đó, sự trung thực, lòng trắc ẩn, hướng thiện phải được đề cao.

Tham luận tại hội nghị PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam lại cho rằng, trong công cuộc đổi mới đất nước, nền văn hóa Việt Nam nói chung và nền văn học, nghệ thuật Việt Nam cũng đã có những bước chuyển mình sâu sắc, mạnh mẽ và khá toàn diện, với những bước thăng trầm đáng ghi nhớ và những bài học bổ ích đáng suy ngẫm. Với tinh thần và trách nhiệm, lương tâm của những người làm nghề, chúng ta phải thẳng thắn nhìn vào sự thật là: Những thành tựu văn học - nghệ thuật mà chúng ta đã đạt được vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng, mong đợi của nhân dân.

Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, các tác phẩm văn học nghệ thuật thời gian qua chưa phản ánh được thật sinh động và đầy đủ, toàn diện thực tiễn công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, chưa thổi bùng lên khát vọng phát triển đất nước mạnh giàu, lòng tự hào dân tộc và ý chí độc lập, tự cường. Trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật, còn ít những tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, xứng đáng với tầm vóc của dân tộc và thời đại, có sức sống lâu bền trong lòng công chúng.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thay mặt Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật Việt Nam đề xuất 5 giải pháp. Trong đó, cùng với cơ chế đầu tư và phát triển các nguồn lực, cần có sự đổi mới căn bản và toàn diện theo hướng: Tăng cường các nguồn lực đầu tư từ Nhà nước về tài chính, cơ sở vật chất và nhất là về cơ chế; đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, phát huy hiệu quả tối ưu, tránh lãng phí. Cùng với đó, cần chăm lo đến sự phát triển của đội ngũ văn nghệ sĩ trẻ, phát hiện năng khiếu, bồi dưỡng và trọng dụng tài năng nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững nền văn nghệ nước nhà.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân kiến nghị Đảng, Nhà nước và các tầng lớp nhân dân, nhất là các tổ chức, hội đoàn, doanh nghiệp quan tâm thích đáng và có những giải pháp đặc biệt để ưu đãi, trọng dụng, bảo vệ và tôn vinh xứng đáng hơn nữa đối với những văn nghệ sĩ, nghệ nhân có tài năng xuất chúng, có năng khiếu đặc biệt vì những cống hiến to lớn cho xã hội, cho đất nước; nghiêm khắc đấu tranh với những thói hư tật xấu, những biểu hiện tha hóa, đi ngược lại thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc của một bộ phận văn nghệ sĩ, ảnh hưởng tới hình ảnh văn nghệ sĩ chân chính.

Đề xuất 5 giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam kiến nghị các bộ, ngành chức năng tiếp tục kiện toàn khung thể chế, chính sách; Hoàn thiện thị trường văn hóa; Đổi mới cơ chế đầu tư tài chính và Đầu tư phát triển hạ tầng các ngành công nghiệp văn hóa nhằm đổi mới phương thức khai thác, tăng cường kết nối truyền thống với hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phân phối các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa…

Khơi dậy lòng tự hào dân tộc

Phát biểu kết luận phiên họp chiều 24-11, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, chấn hưng văn hóa là việc làm cần thiết để làm cho văn hóa sáng hơn, phát triển hơn. Phân tích ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Văn hóa còn thì dân tộc còn”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, trên thực tế văn hóa chưa được quan tâm đúng mức. Việc bố trí cán bộ, phân bổ nguồn lực trong lĩnh vực văn hóa còn nhiều tồn tại, nhiều hạn chế. Trong khi đó, sự tham gia của các nhân sĩ, trí thức trong lĩnh vực này trên thực tế lại chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến nhiều bất cập…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu kết luận. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất và thứ hai đã đề ra những đường hướng quan trọng để phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng ta là khơi dậy tiềm năng, thôi thúc các tầng lớp nhân dân cùng tham gia chấn hưng văn hóa.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng mong muốn, các cấp, ngành tiếp tục quan tâm, dành nguồn lực nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa. Bên cạnh đó, cần có những hành động thiết thực, cụ thể nhằm bồi dưỡng tinh thần tự tôn, lòng tự hào dân tộc để xây dựng đất nước phát triển phồn vinh, hướng tới mục tiêu vì hạnh phúc của nhân dân để từ đó, văn hóa và con người Việt Nam ngày càng bừng sáng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tin tưởng, ngay sau hội nghị, toàn ngành văn hóa, các địa phương sẽ nỗ lực triển khai những nội dung đã được chỉ đạo tại hội nghị để tạo ra sức bật mạnh mẽ, nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chấn hưng, phát triển để văn hóa và con người Việt Nam ngày càng bừng sáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.