Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chấn chỉnh “nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác”

Minh Nguyệt| 05/06/2023 06:08

(HNM) - Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) của Đảng chỉ rõ biểu hiện: “… Nói không đi đôi với làm; hứa nhiều làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu”. Đây là điều không xa lạ, là nguy cơ làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, đòi hỏi phải có giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm.

Nhận diện biểu hiện suy thoái

Những cán bộ, đảng viên thuộc dạng trên thường có chung đặc điểm là “tiền hậu bất nhất”. Trên diễn đàn, trong hội nghị, khi sinh hoạt Đảng thì nói đúng nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhưng sau diễn đàn, bên ngoài hội nghị, cuộc họp, họ lại có những ý kiến khác, thậm chí trái chiều với tinh thần nghị quyết. 

Thực tế đã có cán bộ, đảng viên phải chịu những hình phạt thích đáng của pháp luật do tham ô, tham nhũng, tiêu cực, biểu hiện rõ nhất là “nói và làm không nhất quán”, hành động đi ngược lại lời nói. Như một đồng chí bí thư cấp ủy một địa phương phát biểu chỉ đạo trong hội nghị, tuyên bố “hoành tráng” vi phạm trong vụ Việt Á là đi ngược với nỗ lực chống dịch của cả hệ thống chính trị. Nhưng chính đồng chí ấy, ít ngày sau bị khởi tố, bắt giam vì có hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” chỉ đạo làm trái quy định pháp luật trong đấu thầu để cho Công ty Việt Á thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn.

Có thể nói, đối với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái rõ rệt như vậy, Đảng, Nhà nước ta đã đấu tranh kiên quyết, trên tinh thần “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Kết quả nổi bật trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay càng minh chứng rõ.

Tuy nhiên, còn một dạng biểu hiện nữa chưa đến mức trắng đen rõ một một như vậy, mà mới ở mức trong lời nói và hành động “đỏ vỏ, xanh lòng”, ở hội nghị, trước lãnh đạo cấp trên lại nói khác với ở nơi ngoài hội nghị, ở quán nhậu, chỗ uống trà, trong nhóm kín, trên mạng xã hội... Nhiều người dân mô tả những đảng viên này khi đi làm là một con người khác, về nhà ngồi trước bàn phím lại là con người khác.

Có người nói và viết không đúng quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; a dua a tòng theo những luận điệu hạ thấp, phủ nhận những thành quả của đất nước; thổi phồng khuyết điểm của tổ chức, cá nhân... Có người khi lên diễn đàn mạng xã hội thì quên mất mình là đảng viên, vẻ nhút nhát, thân thiện bị xóa nhòa bởi cảm xúc “anh hùng bàn phím”, văn vẻ lưu loát tuôn trào, “chửi” như hát hay, lời lẽ cay độc, nhiếc móc, rỉa rói không thương tiếc người này, người nọ; càng được người khác cổ súy, tung hô thì càng “hăng say” viết...  

Những biểu hiện muôn hình vạn trạng như vậy đã được xác định cụ thể là một số những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nêu trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Như chúng ta biết, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn và nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; là vi phạm pháp luật. 

Chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn

Với trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, đảng viên, trước hết phải suy nghĩ, nhận thức đúng về quan điểm, đường lối của Đảng, ứng xử chuẩn mực và việc làm phù hợp với cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Để kịp thời chấn chỉnh biểu hiện “hai mặt”, ngăn chặn nguy cơ vi phạm nhỏ thành vi phạm lớn, các cấp ủy tổ chức Đảng phải tăng cường công tác quản lý, giáo dục đảng viên cả trong cơ quan, đơn vị và ngoài xã hội, trên không gian mạng. Khi phát hiện những biểu hiện manh nha, ban đầu phải kịp thời nhắc nhở ngay. Nếu còn tái diễn càng phải làm việc cụ thể, triệt để nhằm chấn chỉnh. Tránh trường hợp tổ chức Đảng, kể cả người đứng đầu thờ ơ, coi nhẹ những biểu hiện “hai mặt”, không dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật với đồng chí mình.

Các cấp ủy Đảng cần xây dựng kế hoạch thường xuyên thực hiện có hiệu quả Kết luận số 21-KL/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; gắn với thực hiện tốt Chỉ thị số 28-CT/TƯ ngày 21-1-2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Trong đó, cần đổi mới và nâng cao chất lượng học tập lý luận chính trị, học tập nghị quyết đối với đảng viên; chủ động khắc phục những biểu hiện phai nhạt lý tưởng, chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, vụ lợi, cá nhân, trung bình chủ nghĩa. Cấp ủy các cấp phân công cấp ủy viên phụ trách, thường xuyên làm việc với chi ủy, chi bộ và tiếp xúc với đảng viên để nắm bắt, giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của đảng viên.

Chi bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định số 37-QĐ/TƯ ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về “Những điều đảng viên không được làm”; bảo đảm việc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng được tiến hành thường xuyên, nghiêm túc, thiết thực, hiệu quả. Định kỳ, cấp ủy cấp trên trực tiếp phải tiến hành kiểm tra các chi bộ việc thực hiện quy định về sinh hoạt đảng và việc quản lý đảng viên; thông báo kết quả kiểm tra trong toàn đảng bộ và yêu cầu khắc phục những hạn chế, khuyết điểm.

Các cấp ủy, tổ chức Đảng thường xuyên rà soát, sàng lọc đội ngũ đảng viên ngay từ các chi bộ, kịp thời phát hiện và kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; khắc phục triệt để tình trạng dễ dãi, nể nang, né tránh trong công tác đánh giá, phân loại đảng viên; quan tâm tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân phát huy trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, thực hiện tốt việc giám sát đối với đảng viên. Đảng viên phải chấp hành nghiêm các quy định, nhất là kỷ luật phát ngôn, trường hợp không chấp hành cần xử lý nghiêm.

Hiện nay, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang tổ chức hoàn thiện Đề án “Kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm về tư tưởng chính trị” nhằm nhận diện những biểu hiện đảng viên có dấu hiệu vi phạm kiểu “hai mặt” nêu trên. Cùng với dự kiến đưa vào Luật Viễn thông sửa đổi yêu cầu phải có định danh đối với tài khoản mạng xã hội, đây sẽ là cơ sở để chấn chỉnh nghiêm khắc đối với biểu hiện “hai mặt”, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên gương mẫu, xứng đáng với niềm tin của nhân dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chấn chỉnh “nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.