Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chậm chạp “vá” lỗ hổng quản lý

Tuấn Khải| 29/04/2019 08:31

(HNM) - Lách những lỗ hổng về quản lý nhà nước, hàng ngàn xe 16 chỗ trên địa bàn cả nước đã được hoán cải trở thành xe Limousine 9 chỗ gắn phù hiệu


Bùng phát và hệ lụy

Mỗi ngày, trên địa bàn Thủ đô có cả trăm xe Limousine của các nhà xe như: XE Việt Nam, Trường Thanh Limousine, Hà Vy Limousine, Luxury, Anh Dũng Limousine... luồn lách trên từng con phố, từ các khu vực ngoại vi cho đến các tuyến phố cổ để đón - trả khách.

Xe Limousine hoạt động trên phố Đại La, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Tuấn Lương


Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong các ngày vừa qua, nhiều nhà xe mặc dù đeo phù hiệu "xe hợp đồng" nhưng thực chất là đưa đón khách như xe khách tuyến cố định liên tỉnh. Thậm chí, nhiều nhà xe còn hoạt động chuyên tuyến như: Xe Việt Nam chuyên tuyến Nội Bài - Thái Bình và Ninh Bình; Trường Thanh Limousine chuyên tuyến Hà Nội - Lào Cai; Nam Cường Limousine chuyên tuyến Hà Nội - Việt Trì... Tuyến phố Đại La chật chội, luôn trong cảnh ùn tắc, nhưng xe Limousine vẫn hoạt động khá nhộn nhịp với các xe của nhà xe Hà Vy Limousine, Minh Anh Limousine... Trên các tuyến phố như Trần Nhân Tông phía trước cửa Rạp Xiếc trung ương, Trần Đại Nghĩa... luôn có nhiều xe chờ đón khách.

Chị Phạm Minh Hòa (trú tại Khu đô thị mới Yên Hòa, quận Cầu Giấy) cho biết: "Gia đình tôi mỗi lần về quê tại Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) lại ra văn phòng của nhà xe Nam Cường Limousine ở số 68 đường Vũ Phạm Hàm ngay gần nhà để bắt xe. Cứ cách 30 phút lại có một chuyến với giá vé 135.000 đồng/người. Việc này rất thuận tiện nên tôi không phải đến Bến xe Mỹ Đình để bắt xe nữa".

Sự bùng phát của loại hình xe hợp đồng Limousine tuy đem lại một số thuận lợi cho hành khách, nhưng lại đang kéo theo nhiều hệ lụy. Chỉ riêng trong tháng 1 và 2-2019, tại Bến xe Giáp Bát có 66 doanh nghiệp vận tải hoạt động dưới 70% số chuyến theo biểu đồ đã đăng ký. Hầu hết xe của các doanh nghiệp này bỏ bến ra ngoài hoạt động như xe “dù” do không cạnh tranh được với xe hợp đồng trá hình. Cũng trong thời gian nói trên, tại Bến xe Nước Ngầm có 266 tuyến vận tải của hơn 100 doanh nghiệp không tham gia hoạt động tại bến.

Không chỉ khiến các doanh nghiệp vận tải khách liên tỉnh lao đao, các xe Limousine hoạt động trá hình còn gây thất thu cho ngân sách nhà nước do không phải trả phí bến bãi và “né” thuế bằng cách kê khai doanh thu thấp hơn thực tế; gây quá tải lên hạ tầng giao thông khi hàng trăm xe liên tục chạy xuyên tâm thành phố đón khách.

Cần sớm có lời giải

Nguyên nhân cơ bản nhất dẫn tới bùng phát xe Limousine trá hình xe khách liên tỉnh đã được các cơ quan chức năng nhận diện từ cách đây khoảng 3 năm. Cụ thể, bộ khung pháp lý cốt lõi để quản lý hoạt động vận tải hành khách bằng ô tô là Nghị định 86/2014/NĐ-CP (ngày 10-9-2014) của Chính phủ và Thông tư 63/2014/TT-BGTVT của Bộ Giao thông - Vận tải (ngày 7-11-2014) đều tồn tại những lỗ hổng rất lớn. Đó là chỉ yêu cầu xe hợp đồng từ 10 chỗ trở lên phải báo cáo các thông tin như hành trình, danh sách khách, điểm đón trả khách... về Sở Giao thông - Vận tải địa phương trước khi thực hiện chuyến đi, còn xe dưới 10 chỗ không phải báo cáo. Từ kẽ hở này, để lách luật, doanh nghiệp đã hoán cải xe 16 chỗ thành xe 9 chỗ, trong khi hiện không có quy định nào cấm hoán cải xe cơ giới xuống còn ít chỗ ngồi hơn so thiết kế của nhà sản xuất.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Đào Việt Long, Trưởng phòng Quản lý vận tải (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) thừa nhận, hoạt động của xe Limousine dưới 10 chỗ đang là một bất cập không chỉ với Hà Nội mà còn diễn ra tại nhiều địa phương khác. Dù biết không ít trong số này sẽ núp bóng xe hợp đồng hoạt động trá hình, nhưng theo quy định hiện hành, khi doanh nghiệp có đủ hồ sơ thì cơ quan quản lý vẫn phải cấp phép. Mỗi doanh nghiệp lại thuê một số địa điểm đặt văn phòng, trụ sở rồi dần biến thành các tụ điểm đón - trả khách, tập kết hàng hóa.

Ngoài xe của Hà Nội, đang có một lượng xe rất lớn do các địa phương khác cấp phù hiệu cũng hằng ngày hoạt động trên địa bàn Thủ đô. Lực lượng chức năng chỉ có thể xử phạt nếu những xe này dừng, đỗ đón trả khách tại các khu vực có biển cấm. Sở đã nhiều lần kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải sớm trình và tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; bổ sung các quy định, chế tài xử lý vi phạm cho phù hợp...

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung soạn thảo, khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP trình Chính phủ ban hành nhằm đưa hoạt động vận tải vào nền nếp, bảo đảm công bằng. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 3 năm, với 8 lần trình Thủ tướng Chính phủ, dự thảo này vẫn chưa được thông qua. Vì đâu mà Bộ Giao thông - Vận tải chậm chạp trong việc hoàn chỉnh dự thảo sửa đổi vẫn đang là một dấu hỏi lớn, cần sớm có lời giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm chạp “vá” lỗ hổng quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.