Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cây ăn quả đặc sản Hà Nội: Có thương hiệu vẫn khó tiêu thụ

Đỗ Minh| 22/02/2016 05:53

(HNM) - Sau 4 năm triển khai đề án phát triển cây ăn quả giá trị cao, Hà Nội đã và đang hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh quy mô lớn, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, từng bước xây dựng thương hiệu cây ăn quả Thủ đô.

Thu hoạch nhãn chín muộn tại nhà ông Trần Văn Bảy (xã Song Phương, huyện Hoài Đức). Ảnh: Thái Hiền


Nhiều nông dân đã thành triệu phú

Dù cuối vụ thu hoạch cam Canh, bưởi Diễn nhưng xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) từ đầu làng đến cuối xóm ở đâu không khí cũng rôm rả, mọi câu chuyện của người dân đều xoay quanh cây bưởi Diễn được giá; nhiều gia đình trồng cây bưởi Diễn trở thành triệu phú. Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết: Cây bưởi Diễn "bén duyên" đất Nam Phương Tiến cách đây vài năm và thực sự trở thành cây làm giàu cho nông dân.

Trước đây, người dân địa phương trồng sắn, lúa, thu nhập bấp bênh, sau khi dồn điền, đổi thửa đã hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên canh trồng bưởi Diễn cho thu nhập cao, từ 300 đến 500 triệu đồng/ha. Nhận thấy hiệu quả từ cách chuyển dịch cơ cấu cây trồng của Nam Phương Tiến, nhiều xã lân cận đã làm theo, tích cực mở rộng diện tích trồng cây ăn quả đặc sản với quy mô hàng chục héc ta. Hiện nay, bưởi Diễn trở thành cây trồng chủ lực trong chiến lược chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện Chương Mỹ.

Thực hiện đề án phát triển cây ăn quả giá trị cao, đến nay Hà Nội đã mở rộng diện tích trồng cây ăn quả đặc sản được 16.400ha. Trong đó, tập trung phát triển các cây chủ lực như: Bưởi Diễn, bưởi Quế Dương, cam Canh, nhãn chất lượng cao, chuối nuôi cấy mô và phấn đấu đến năm 2020, diện tích cây ăn quả Hà Nội đạt 18.000ha, năng suất quả tăng 7-10%.


Phát triển cây ăn quả đặc sản là một trong nhiều giải pháp góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân ngoại thành. Tại các huyện Quốc Oai, Hoài Đức, bằng sự nỗ lực của người dân và sự hỗ trợ của thành phố, diện tích trồng cây bưởi Diễn, nhãn chín muộn ngày càng mở rộng, hiện nay đã đạt hơn 400ha. Ông Trần Văn Bảy, thôn Ba Lương, xã Song Phương (Hoài Đức) cho biết, được chính quyền địa phương tạo điều kiện về đất đai, gia đình đã trồng hơn 2.000 cây nhãn chín muộn đã cho thu hoạch vụ thứ ba. Do chín muộn hơn nhãn thường nên giá bán nhãn chín muộn luôn cao, dao động 35.000-40.000 đồng/kg, tính trung bình cho thu nhập 700-800 triệu đồng/ha, lãi gấp 8-10 lần trồng lúa. Mới đây sản phẩm nhãn chín muộn Hoài Đức đã được Bộ NN&PTNT gửi mẫu phân tích để xuất khẩu sang Mỹ.

Tiêu thụ nông sản vẫn khó khăn

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: Cam Canh, bưởi Diễn, nhãn chín muộn, chuối tiêu hồng là bốn cây ăn quả chủ lực nằm trong đề án phát triển cây ăn quả đặc sản Hà Nội, diện tích chuyên canh trồng bưởi Diễn khoảng 2.710ha tập trung tại các huyện Chương Mỹ, Phúc Thọ, Quốc Oai, Hoài Đức… Đi đôi với mở rộng diện tích trồng cây ăn quả đặc sản, ngành nông nghiệp Hà Nội đã phối hợp với các địa phương xây dựng và duy trì được 3 nhãn hiệu "Bưởi Quế Dương", "Bưởi Phúc Thọ", "Bưởi Chương Mỹ" và nhãn hiệu cam Canh Kim An (Thanh Oai).

Hà Nội đã xây dựng 31 mô hình điểm có chỉ dẫn địa lý và đăng ký bảo hộ thương hiệu về cây ăn quả đặc sản tập trung gồm: Vùng trồng bưởi Diễn ở các huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức; nhãn chín muộn Quốc Oai, Hoài Đức; chuối cấy mô Gia Lâm, Đông Anh; cam Canh Thanh Oai và Thường Tín. Ngoài ra, thành phố đang xây dựng vườn cây ăn quả đầu dòng quy mô sản xuất 150.000 cây giống chất lượng cao và trồng trình diễn một số giống cây ăn quả đặc sản. Hà Nội cũng vừa ký kết với đối tác Nhật Bản để xuất khẩu trái cây đặc sản.

Chất lượng trái cây đặc sản Hà Nội đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và các địa phương trong nước, tuy nhiên vì nhiều lý do khâu tiêu thụ vẫn gặp khó khăn. Các sản phẩm đã có nhãn hiệu, thương hiệu nhưng chưa xuất hiện nhiều trong siêu thị, nhà hàng trên địa bàn thành phố. Phần lớn nông dân tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ thuận mua, vừa bán, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội, để cây ăn quả phát triển bền vững, cùng với việc hướng dẫn quy trình kỹ thuật, quản lý, chỉ đạo sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ, cần tăng cường công tác xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các chính sách đặc thù hỗ trợ xúc tiến thương mại cho các sản phẩm cây ăn quả đặc sản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cây ăn quả đặc sản Hà Nội: Có thương hiệu vẫn khó tiêu thụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.