(HNMO) – Kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không”, Đài PTTH Hà Nội, phối hợp với báo Quân đội nhân dân, Sư đoàn 361 tổ chức cầu truyền hình đặc biệt, với tên gọi “Bản hùng ca Hà Nội”.
Cầu truyền hình "Bản hùng ca Hà Nội" sẽ gợi nhớ cho người xem những kỷ niệm không quên về những ngày tháng hào hùng của Hà Nội trong 12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" |
Đây là cầu truyền hình đặc biệt, mang ý nghĩa gắn kết tình quân – dân. Khán giả sẽ được gặp lại những khách mời là các anh hùng lực lượng vũ trang, những người trực tiếp sống và chiến đấu trong 12 ngày đêm đầy vinh quang của Thủ đô và đất nước như Đại tá, anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Đình Kiên (người bắn rơi 4 chiếc B52), Trung tá Dương Thuận (người ấn nút bắn rơi tại chỗ chiếc B52 đầu tiên trên thế giới), Đại tá Đinh Thế Văn (người đã nghĩ ra cách đánh “đón trước nửa góc”)… Bên cạnh đó, khán giả còn được trò truyện và nghe tâm sự của những người dân Hà Nội, những người đã chứng kiến thậm chí đã gánh chịu hi sinh, mất mát trong 12 ngày đêm máu lửa ấy, như nhạc sĩ Phú Quang, nhà văn Giang Quân, là những người đã từng sống tại phố Khâm Thiên vào những ngày cuối năm 1972…
Trong buổi họp báo giới thiệu chương trình diễn ra sáng ngày 13/12, BTC cho biết, khác với những chương trình trước đây, “Bản hùng ca Hà Nội” không diễn ra trong những khán phòng, studio được bài trí trang trọng và có phần cứng nhắc mà thay vào đó với 6 điểm cầu, là 6 trận địa, lịch sử khác nhau nhằm tái hiện cho khán giả những hình dung chân thật hơn về những trang sử hào hùng, những ngày tháng chiến đấu oanh liệt của quân và dân ta. Đó là 6 điểm cầu: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Sư đoàn 361, Bảo tàng Chiến thắng B52, Đài tưởng niệm Khâm Thiên, Trận địa tên lửa Chèm, hồ Hữu Tiệp. Trong đó, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là điểm cầu chính.
Khán giả sẽ được xem lại những thước phim tư liệu về những mất mát, đau thương nhưng đầy oai hùng của người dân Hà Nội |
Đại diện BTC lý giải thêm, để tránh gây sự nhàm chán trong các cuộc giao lưu như cách làm truyền thống, êkip thực hiện sẽ đẩy tiết tấu của chương trình nhanh hơn để khán giả cảm nhận được không khí gấp gáp, nóng hổi của những ngày khói lửa. Theo đó, mỗi cuộc trò truyện của khách mời sẽ diễn ra không quá 5 phút, và sẽ được đan xen liên tục tại các điểm cầu. Bối cảnh của những điểm cầu cũng được bối trí khá đặc biệt, gần gũi để khán giả truyền hình cảm nhận rõ hơn không khí “12 ngày đêm Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không” . 6 điểm cầu đều lấy bối cảnh thực với các hiện vật cụ thể như máy bay, tên lửa, trạm rada…
Những bối cảnh ở 6 điểm cầu sẽ luôn thay đổi sau mỗi cuộc trò truyện để tăng thêm sự sinh động. Điển hình, trong cuộc trò truyện với bà Phạm Thị Viễn (nữ tự vệ đã bắn rơi chiếc máy bay F111), êkip thực hiện sẽ cùng trò truyện với bà Viễn tại chính khẩu pháo mà cách đây 40 năm bà đã bắn rơi chiếc máy bay F111; hay cuộc trò chuyện với nhân chứng lịch sử ngay trên một chiếc xe điều khiển; hoặc câu chuyện của nhạc sĩ Phú Quang ngay tại căn nhà của ông đã từng bị bom san bằng trong những ngày lịch sử của năm 1972. Chưa hết, nhạc sĩ Phú Quang sẽ cùng hai người con của mình là nghệ sĩ violon Bùi Công Duy và nghệ sĩ piano Trinh Hương biểu diễn một tác phẩm âm nhạc tại nền nhà đã bị bom B52 phá nát…
Nhạc sĩ Phú Quang tham gia với tư cách khách mời và nghệ sĩ biểu diễn |
Bên cạnh những câu chuyện của các khách mời, êkip thực hiện cũng xây dựng một kịch bản nghệ thuật với sự tham gia của các nghệ sĩ, ca sĩ hàng đầu Việt Nam như Dàn nhạc giao hưởng Phapsody Philharmornic, nghệ sĩ piano Trang Trịnh, nghệ sĩ Clavinettt Đào Nhật Quang, ca sĩ Mỹ Linh, Tấn Minh, Mai Hoa, Ngọc Khuê, Đăng Dương, Lan Anh… Điểm nhấn của phần nghệ thuật là hợp xướng “Hà Nội niềm tin và hy vọng” do gần 100 nghệ sĩ trong nước và nước ngoài cùng hát. Các nghệ sĩ nước ngoài với nhiều quốc tịch khác nhau như Mỹ, Hàn Quốc, Anh, Pháp… sẽ mặc áo dài Việt Nam để thể hiện ca khúc này.
Cầu truyền hình “Bản hùng ca Hà Nội” sẽ có thời lượng 150 phút, trên kênh 1 và 2 Đài PTTH Hà Nội. Đài PTTH Đồng Nai, Quảng Trị, Sơn La, Tuyên Quang, Điện Biên… tiếp sóng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.