Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cầu nối giữa nghiên cứu và cuộc sống

Mai Hà| 22/08/2017 06:53

(HNM) - Những năm gần đây, hoạt động chuyển giao công nghệ giữa trường đại học và doanh nghiệp đã được tăng cường...


Một đề tài khoa học được BK-Holdings thực hiện thương mại hóa thành công.


Chủ động về công nghệ

Được thành lập từ năm 2008, BK-Holdings, thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là mô hình doanh nghiệp đầu tiên được phép thành lập tại một trường đại học ở Việt Nam, hoạt động chủ yếu là chuyển giao công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp khoa học - công nghệ (KH-CN). PGS.TS Trần Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty BK-Holdings cho biết, với doanh số hiện nay khoảng 100 tỷ đồng, BK-Holdings giống mô hình một công ty mẹ, khuyến khích các nhà khoa học tại trường đứng ra thành lập công ty để chuyển giao phần tri thức của mình ra thực tiễn. Một trong những đề tài khoa học được BK-Holdings thực hiện thương mại hóa thành công là “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo đồ gá quay và thiết bị di trượt robot dùng cho công nghiệp” của PGS.TS Bùi Văn Hạnh. Hiện nay, sản phẩm của đề tài đã được ứng dụng tại nhiều công ty trong cả nước.

Một đề tài khác được Bộ KH-CN phê duyệt là “Nghiên cứu chế tạo vật liệu tricolorphotpho và bột điện tử micro-nano sử dụng để chế tạo đèn huỳnh quang và đèn huỳnh quang compact tiết kiệm điện năng”. Đề tài được Công ty TNHH một thành viên Tư vấn và chuyển giao công nghệ Bách khoa BK-Contect, một công ty cũng do BK-Holdings thành lập, chuyển giao cho Công ty cổ phần Rạng Đông với giá trị 6,8 tỷ đồng. Kết quả, đề tài đã cung cấp cho Công ty cổ phần Rạng Đông các sản phẩm bột huỳnh quang ba phổ, thay thế nguyên vật liệu mà Công ty Rạng Đông vẫn phải nhập khẩu 100%.

Việc có một công ty hỗ trợ cho các nhà khoa học để chuyển giao công nghệ giúp tận dụng được tối đa chất xám của các nhà khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào cuộc sống và tiếp cận thị trường. “Từ chỗ, nhiều khi phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập ngoại, bây giờ thì các công ty ít nhiều chủ động về công nghệ để có thể tạo ra sản phẩm mà họ mong muốn, chế tạo ra các sản phẩm chuyên biệt cho thị trường Việt Nam, thậm chí là hướng tới xuất khẩu”, PGS.TS Phạm Thành Huy, Viện trưởng Viện Tiên tiến KH-CN, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết thêm.

Bên cạnh công tác chuyển giao, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ, công tác ươm tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp cũng được BK-Holdings đặc biệt chú trọng. BK-Holdings đã phối hợp với Công ty Up, cung cấp Không gian làm việc chung BK-HUP, nhằm tạo điều kiện cho các nhóm khởi nghiệp thu hút nguồn vốn đầu tư mạo hiểm khi sản phẩm mới chỉ là ý tưởng. Ông Phạm Tuấn Hiệp, Giám đốc điều hành Không gian làm việc chung BK-HUP cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng nhất của BK-HUP là hướng đến xây dựng nên hình ảnh các nhà khoa học trẻ không chỉ là những nhà nghiên cứu mà còn là những doanh nhân, kinh doanh bằng chính sản phẩm nghiên cứu của mình, có thể tự quản lý hoặc tự phát triển công trình nghiên cứu đó một cách độc lập.

Chưa tương xứng với tiềm năng

Ngoài Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, những chuyển động tại nhiều trường đại học khác cũng cho thấy mô hình công ty trong trường đại học thực sự là cầu nối giữa nghiên cứu và cuộc sống. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa tương xứng so với tiềm năng bởi còn gặp nhiều vướng mắc.

Theo PGS.TS Phạm Thành Huy, với ba nhiệm vụ chính là đào tạo, nghiên cứu phát triển khoa học, ứng dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ vào cuộc sống, nhiều trường đại học đã làm tốt hai nhiệm vụ đầu tiên, song với nhiệm vụ thứ ba thì còn nhiều hạn chế. Ngoài những nguyên nhân như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm hoạt động, cơ chế chính sách chưa đồng bộ..., việc phân bổ thời gian giữa nghiên cứu và giảng dạy chưa hợp lý cũng khiến các nhà khoa học chưa mặn mà trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

PGS.TS Trần Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty BK-Holdings cho rằng: Đa số đề tài được nghiên cứu thành công ở quy mô phòng thí nghiệm tại các trung tâm, khoa, trường. Việc chuyển giao các đề tài này đang thiếu hẳn khâu ươm tạo ở quy mô công nghiệp. Bên cạnh đó, bản thân các trường đại học còn thiếu các cơ sở, điều kiện để thực hiện chức năng của một doanh nghiệp. Vì vậy, khi thực hiện chuyển giao, các trung tâm, khoa, viện không có tư cách pháp nhân để vay vốn ngân hàng.

Cũng theo PGS.TS Trần Văn Bình, về mặt cơ chế, các trường đã có đầy đủ hành lang pháp lý cho việc chuyển giao tri thức vào cuộc sống. Chính phủ đã ban hành Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH-CN. Tuy nhiên, nỗ lực phát triển mô hình này vẫn còn gặp khó khăn. Nghị định 115 chỉ cho phép chuyển đổi các tổ chức KH-CN thành các công ty độc lập, mô hình không thể áp dụng đối với đại học do các trung tâm, viện nghiên cứu thường là tài sản của Nhà nước. Thực tế cũng cho thấy rằng, để mô hình công ty trong trường đại học hoạt động hiệu quả thì bên cạnh việc xây dựng cơ chế phù hợp để hỗ trợ các trường đại học từ phía Nhà nước, chính các nhà trường cần xác định rạch ròi cơ chế hoạt động của doanh nghiệp cũng như cần có cơ chế chuyển giao công nghệ theo hướng thị trường.

Những khó khăn nói trên khiến mô hình công ty trong trường đại học tại Việt Nam vẫn còn ở mức sơ khai trong khi trên thế giới, việc mở các công ty trong trường đại học là xu hướng tất yếu, đã được thực hiện bài bản từ lâu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cầu nối giữa nghiên cứu và cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.