Với mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, tiến tới là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của Đông Nam Á, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề ra những chính sách, giải pháp quan trọng, đột phá.
Đây được coi là động lực tăng trưởng, thúc đẩy nền kinh tế - xã hội Thủ đô và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này.
Phát triển khoa học công nghệ với giải pháp đặc thù, nổi trội
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, mục tiêu của Hà Nội là xây dựng thành trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao và phát triển công nghệ hàng đầu của cả nước, tiến tới là trung tâm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của khu vực Đông Nam Á. Đây cũng là chủ trương được đề cập trong văn bản của Trung ương và thành phố, trong đó có Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Hà Nội là nơi tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước, trong đó có 14 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia với hơn 65% nhà khoa học đầu ngành của cả nước đang sinh sống và làm việc. Hà Nội là đầu mối giao lưu về hợp tác khoa học công nghệ với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, các quốc gia, cơ sở nghiên cứu trên thế giới. Nhưng nhiều năm qua, lợi thế này vẫn chưa khai thác, sử dụng, phát huy được tiềm năng. Số lượng doanh nghiệp có sản phẩm thương mại từ kết quả nhiệm vụ khoa học công nghệ chỉ chiếm vài chục trong số hơn 325.000 đơn vị đăng ký hoạt động trên địa bàn thành phố.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do thủ tục hành chính rườm rà nên các nhà khoa học, doanh nghiệp không triển khai được. Việc chuyển giao ứng dụng vào thực tiễn còn hạn chế, nhất là sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của Thủ đô. Chưa có cơ chế để hỗ trợ phát triển mạnh mẽ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) theo kịp tốc độ phát triển nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Việc xây dựng một số cơ chế thử nghiệm có kiểm soát không thực hiện được do thiếu hành lang pháp lý...
Truyền cảm hứng, khát vọng sáng tạo
Nhìn nhận về bất cập nêu trên, các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, việc bổ sung cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ đưa Hà Nội trở thành “miền đất hứa” cho các công ty công nghệ.
Điều 25 Luật Thủ đô (sửa đổi) đã cho phép thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới, trong điều kiện thực tế với phạm vi được giới hạn, dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp. Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn một lần không quá 3 năm.
Cùng với đó, Luật quy định rõ lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô gồm: Công nghệ số, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo - tự động hóa, công nghệ môi trường, giảm phát thải cabon, ứng phó với biến đổi khí hậu và các lĩnh vực khác do HĐND thành phố Hà Nội quyết định. Doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ trong thời gian thực hiện không những được nhận hỗ trợ từ ngân sách thành phố để mua sắm, vận hành máy móc, thiết bị phục vụ thực hiện nhiệm vụ, mà còn hưởng thêm ưu đãi tương tự như doanh nghiệp công nghệ cao.
Ngoài ra, được hỗ trợ một phần kinh phí từ ngân sách thành phố để hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô. Với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô hoạt động trên địa bàn thành phố được hỗ trợ chi phí ươm tạo, bao gồm chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án, chi phí thuê chuyên gia, nhân công lao động trực tiếp, dịch vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung.
Luật cũng mở ra cơ hội để cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tổ chức khoa học công nghệ công lập khác trên địa bàn thành phố được phép thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp, tham gia góp vốn vào doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của chính cơ sở, tổ chức đó.
Theo Giám đốc điều hành, thành viên sáng lập 1Office Lê Việt Thắng (đơn vị cung cấp giải pháp phần mềm quản trị doanh nghiệp dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại), khi Hà Nội tiên phong trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, sẽ mang lại thế mạnh trong việc cạnh tranh, thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhất là các quỹ đầu tư nước ngoài; phát huy vai trò tiên phong của Thủ đô trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo đúng tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.