Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cấp thị thực điện tử cho du khách quốc tế: Tăng sức cạnh tranh cho du lịch

Lâm Vũ| 26/11/2016 08:05

(HNM) - Bắt đầu từ ngày 1-2-2017, Việt Nam sẽ thí điểm cấp thị thực điện tử cho du khách quốc tế. Việc thí điểm sẽ được thực hiện trong 2 năm, 2017 và 2018. Các chuyên gia nhận định, đây là một bước tiến quan trọng góp phần tăng sức cạnh tranh cho du lịch Việt Nam.

Khách du lịch nước ngoài tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Khánh Huy


Bước đột phá

Theo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam, từ ngày 1-2-2017, toàn bộ quá trình từ nộp hồ sơ đến xem xét giải quyết và thông báo kết quả cấp thị thực đều thực hiện bằng phương tiện điện tử. Thời gian xem xét cấp thị thực điện tử là 3 ngày, thời hạn của thị thực là 30 ngày.

Đánh giá về việc cấp thị thực điện tử, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, đây là một bước đi mang tính đột phá, một trong những giải pháp thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong phát triển du lịch.

Ông Lê Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch cho biết, thị thực điện tử có nhiều ưu điểm như người ở nước ngoài không cần thư mời, không cần có mặt trực tiếp nhưng vẫn có thể xin cấp thị thực điện tử vào Việt Nam; công dân có hộ chiếu hợp pháp ở tất cả các nước muốn đến Việt Nam đều có thể đăng ký làm thị thực trực tiếp qua mạng; cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam có thể trực tiếp cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam; việc trả lệ phí được thực hiện thông qua các tài khoản ngân hàng.

"Thị thực điện tử có khả năng bảo đảm an ninh tốt hơn, thông tin tương thích, phù hợp cho nhiều mục đích sử dụng, dễ chia sẻ giữa các cơ quan liên quan trong những trường hợp cần thiết. Hệ thống quản lý minh bạch, cập nhật cả về tài chính và thông tin, giúp giảm hiện tượng tiêu cực, phiền nhiễu, ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh điểm đến du lịch quốc gia. Nó cũng tạo thuận lợi, cho phép du khách có thể xin cấp thị thực qua mạng internet, mở rộng phạm vi của các dịch vụ lãnh sự ngoài Đại sứ quán và Lãnh sự quán, đồng thời có thể sử dụng nhiều ngôn ngữ. Bên cạnh đó, việc cấp thị thực điện tử còn có ưu điểm là nhanh, tiết kiệm, thân thiện với môi trường do không cần giấy tờ", ông Lê Anh Tuấn nhấn mạnh.

Tổng cục Du lịch cũng sẽ tận dụng mọi cơ hội để thông tin về việc cấp thị thực điện tử đến các thị trường khách quốc tế của Việt Nam một cách nhanh nhất như: thông báo trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tới Đại sứ quán các nước ở Việt Nam, các công ty lữ hành quốc tế đưa khách đến Việt Nam…

Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, ông Lê Công Năng, Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour nhận định, việc Việt Nam áp dụng thị thực điện tử là một bước tiến quan trọng trong tiến trình thúc đẩy tăng trưởng số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Ông Lê Công Năng cũng cho rằng, thị thực điện tử khi được áp dụng thường kéo theo lượng khách đăng ký tăng hơn nhiều lần so với cách cấp thị thực trước đây, vì vậy, các đơn vị chức năng và các cửa khẩu quốc tế tại Việt Nam cần bố trí thêm cửa để làm thủ tục nhập cảnh cho đối tượng sở hữu thị thực điện tử, tránh tình trạng tắc nghẽn, để khách du lịch phải chờ đợi quá lâu.

“Hơn nữa, chúng ta cần tuyên truyền thông tin về thủ tục cấp thị thực điện tử tới các hãng hàng không quốc gia và quốc tế đang khai thác chặng bay đến Việt Nam để tiếp viên hàng không hướng dẫn trước cho hành khách những thủ tục cần thiết, giúp họ hiểu, có tâm lý thoải mái, hoàn thành nhanh chóng thủ tục nhập cảnh", ông Lê Công Năng nói.

Tiếp tục tạo thuận lợi về visa

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, việc áp dụng thị thực điện tử có thể giúp thu hút khách du lịch từ những nước chưa được miễn thị thực vào Việt Nam. Tuy nhiên, không nên kỳ vọng quá lớn, vì trong lượng khách đến Việt Nam vẫn có những đối tượng không phù hợp với thị thực điện tử như chưa quen sử dụng internet hoặc thích được cấp thị thực giấy. Bên cạnh đó, việc cấp thị thực điện tử chỉ là công cụ cho khách tiếp cận dễ dàng hơn chứ không thể thay thế giải pháp “át chủ bài” là miễn thị thực để thu hút du khách.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tuấn cho hay, không thể phủ nhận thị thực điện tử là một bước tiến lớn, nhưng bước tiến ấy chưa thể giúp Ngành Du lịch Việt Nam cạnh tranh được với các nước trong khu vực, bởi đến nay Việt Nam mới chỉ miễn thị thực nhập cảnh cho công dân của 22 nước, trong đó có 9 nước ASEAN. "Ngay cả khi chúng ta áp dụng thị thực điện tử thì mức độ cạnh tranh của Ngành Du lịch Việt Nam vẫn chưa thể bằng những quốc gia đã mở rộng cửa để đón khách, ví dụ như Thái Lan đã miễn thị thực cho 58 nước, Malaysia 158 nước, Philippines 168 nước, Indonesia 169 nước..., tức là hầu hết thị trường khách quốc tế chủ yếu của các quốc gia này. Các nước trong khu vực đang coi đó như một công cụ quan trọng để đẩy mạnh sự phát triển du lịch. Do đó, bên cạnh việc cấp thị thực điện tử, chúng ta cần nghiên cứu, tiếp tục mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho nhiều thị trường trọng điểm du lịch khác", ông Nguyễn Văn Tuấn nhận định.

Thực tế cho thấy, thời gian gần đây, thủ tục thị thực của Việt Nam ngày càng được đơn giản hóa với nhiều hình thức cấp, từ cấp thị thực tại cửa khẩu đến miễn thị thực cho một số thị trường trọng điểm. Hy vọng rằng trong thời gian tới, cùng với việc cấp thị thực điện tử, thủ tục thị thực sẽ được đơn giản hóa hơn nữa nhằm thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cấp thị thực điện tử cho du khách quốc tế: Tăng sức cạnh tranh cho du lịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.