Theo dõi Báo Hànộimới trên

Căng thẳng chưa thấy điểm dừng

Quỳnh Dương| 16/09/2017 06:40

(HNM) - Ngày 15-9, Đài NHK của Nhật Bản cho biết, Triều Tiên đã phóng một tên lửa từ thủ đô Bình Nhưỡng về phía Đông và rơi xuống biển Thái Bình Dương, cách đảo Hokkaido của Nhật Bản khoảng 2.000km. Vụ thử được tiến hành ngay sau khi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua các biện pháp trừng phạt...

Việc Triều Tiên liên tục phóng tên lửa khiến cho tình hình khu vực càng thêm nóng.



Theo thông báo từ quân đội Hàn Quốc, tên lửa Triều Tiên đã bay được khoảng 3.700km, với độ cao tối đa đạt 770km. Nhằm đáp trả động thái này, Seoul lập tức bắn 2 tên lửa đạn đạo Hyunmoo-2 từ khu vực phía Đông nước này gần biên giới liên Triều. Vụ phóng được thực hiện khi tên lửa Triều Tiên vẫn đang trong quá trình bay. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngay lập tức chủ trì một cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia và ra lệnh thực thi nghiêm ngặt các biện pháp trừng phạt mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Bình Nhưỡng. Tổng thống Moon Jae-in cũng yêu cầu phân tích chặt chẽ và có sự chuẩn bị để ứng phó với các mối đe dọa như các vụ tấn công sử dụng vũ khí xung điện từ (EMP) và sinh học từ Triều Tiên. Nhiều nhà phân tích cho rằng, vụ phóng tên lửa mới nhất đã "dội gáo nước lạnh" vào các nỗ lực của Hàn Quốc trong việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.

Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên án hành động của Triều Tiên đe dọa hòa bình thế giới, đồng thời nhấn mạnh các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc nhằm vào Triều Tiên cần phải được thực hiện nghiêm. Phát biểu với báo giới, nhà lãnh đạo Nhật Bản khẳng định: “Chúng tôi có thể không bao giờ tha thứ việc Triều Tiên coi thường quyết tâm chung, mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế hướng tới hòa bình, vốn được thể hiện trong các nghị quyết của Liên hợp quốc". Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, nước này muốn phối hợp với Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga để đưa ra nhiều biện pháp đáp trả khác nhau.

Ủng hộ quan điểm của Hàn Quốc, Nhật Bản, lãnh đạo nhiều quốc gia khác như Mỹ, Australia đều lên tiếng phản đối hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn ngay trong ngày 15-9.

Chưa khi nào trong vòng 5 thập kỷ qua, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bị đẩy sát bờ vực của một cuộc chiến tranh như hiện nay. Chỉ chưa đầy một tháng, Bình Nhưỡng đã 3 lần đưa ra những hành động được cho là thách thức dư luận thế giới bằng cách thử tên lửa và bom nhiệt hạch. Mỹ cũng đã có động thái cho thấy nước này sẵn sàng sử dụng kho vũ khí hạt nhân của mình. Cách đây ít ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã xuất hiện tại căn cứ không quân Minot, bang Bắc Dakota, nơi đang chứa hơn 100 tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất của Mỹ, cùng với đó là nhiều máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Trong thời gian tới, ông Mattis có lịch trình phát biểu tại nhiều đơn vị của Bộ Chỉ huy chiến lược, cơ quan chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Đây là những chuyến thăm có thể được lên kế hoạch từ trước khi Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân, nhưng cũng là tín hiệu cho thấy, Lầu Năm Góc luôn sẵn sàng triển khai vũ khí hạt nhân vào bất cứ khi nào nhận được lệnh.

Theo các nhà quan sát, chiến tranh sẽ không dễ xảy ra như những tuyên bố mà các bên đưa ra thời gian qua. Song, sự leo thang căng thẳng chưa thấy điểm dừng trên bán đảo Triều Tiên có thể sẽ vượt qua giới hạn kiểm soát của các bên và mang lại những hệ lụy ngoài mong muốn trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Căng thẳng chưa thấy điểm dừng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.