Nông thôn mới

Cần thêm sáng kiến, mô hình mới cho nông thôn

Nguyễn Mai 17/07/2023 - 14:33

Sau 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, cả nước đã huy động được 1,7 triệu tỷ đồng đầu tư, thay đổi mạnh mẽ diện mạo khu vực nông thôn. Tuy vậy, Chương trình còn bộc lộ nhiều tồn tại, rất cần thêm nhiều sáng kiến, mô hình mới cho nông thôn…

Đó là những nội dung được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình do Bộ NNN&PTNT tổ chức sáng 17-7 tại Hà Nội.

Cả nước có 73,6% số xã đạt chuẩn nông thôn mới

hoi-nghi-so-ket-ntm-1-.jpeg
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bộ NN&PTNT.

Theo ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, sau gần 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2021 – 2025, cả nước có 6.022/8.177 xã (73,65%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 11,3% so với cuối năm 2020); 1.331 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 176 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Cả nước có 263 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, có 5 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Riêng Hà Nội có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Đối với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đến tháng 7-2023, cả nước có 9.852 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên của 5.069 chủ thể. Riêng Hà Nội có hơn 2.167 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng, dẫn đầu cả nước...

3 năm qua, cả nước đã huy động được hơn 1,7 triệu tỷ đồng đầu tư thực hiện Chương trình. Trong đó, vốn ngân sách trung ương đóng vai trò “vốn mồi”, hỗ trợ trực tiếp thực hiện Chương trình chiếm khoảng 1,2%, ngân sách địa phương các cấp khoảng 9,9%, vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn khoảng 8,1%, vốn tín dụng khoảng 74,1%, vốn doanh nghiệp, HTX, tổ chức kinh tế khoảng 4,0%, người dân và cộng đồng đóng góp tự nguyện khoảng 2,8%.

“Đến nay, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương cao nhất trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia”, ông Ngô Trường Sơn cho hay.

Bên cạnh kết quả đạt được, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thời gian qua cũng còn một số khó khăn, hạn chế. Hệ thống văn bản pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình ở cấp Trung ương chậm được ban hành. Một số địa phương còn lúng túng, chậm ban hành các văn bản cụ thể hóa Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo phân cấp cũng như các chương trình phát triển du lịch nông thôn, chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh… Cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới ở cấp xã chủ yếu là kiêm nhiệm và thường xuyên thay đổi nên cũng ảnh hưởng đến việc tham mưu triển khai thực hiện chương trình ở cơ sở...

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã đi được chặng đường hơn 3 năm, nhưng thực tế chúng ta mới triển khai được khoảng hơn 1 năm.

"Tôi vừa đi Bắc Kạn, vẫn còn nhiều hộ nghèo, làm gì để thu nhập của bà con tăng 1,5 lần không phải là dễ. Đối với sản phẩm OCOP, thực tế tại tỉnh Đồng Tháp dù đã có hàng trăm sản phẩm OCOP được công nhận, nhưng khi tôi ra siêu thị, không có sản phẩm OCOP nào. Vậy, sản phẩm OCOP đi đâu?", Bộ trưởng đặt vấn đề.

Coi nông thôn là vốn quý, di sản, tài sản

dan-phuong-2.jpg
Xây dựng nông thôn mới mang đến diện mạo mới cho những vùng quê ở Hà Nội. Trong ảnh: Một góc làng quê xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng).

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có khoảng từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho địa phương, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả Chương trình; sửa đổi, bổ sung Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp theo các mức độ phù hợp hơn với tình hình thực tế tại các địa phương và đặc thù của vùng, miền; tiếp tục triển khai các giải pháp huy động tối đa các nguồn lực thực hiện chương trình; quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao bảo đảm hiệu quả, phù hợp quy định của pháp luật. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, tiếp tục ưu tiên nguồn vốn ngân sách địa phương các cấp (tỉnh, huyện, xã) để hỗ trợ thực hiện xây dựng nông thôn mới.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nêu rõ, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới không chỉ là xây dựng cầu, đường, trường, trạm mà bao gồm đa mục tiêu, trong đó, có 6 chương trình chuyên đề về phát triển du lịch; khoa học và công nghệ; chuyển đổi số; tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự; chương trình OCOP. Ngoài ra còn có các vấn đề như: Bình đẳng giới, dinh dưỡng cho cư dân nông thôn, khuyến nông...

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Hiện, nhiều quốc gia thực hiện chương trình quy nông, quy hương. Không phải tất cả đều về nông thôn, nhưng họ coi nông thôn là vốn quý, di sản, tài sản và họ làm nhiều chương trình du lịch làng nghề, du lịch nông nghiệp nông thôn kích hoạt để chấn hưng nông thôn, để nông thôn trở thành nơi đáng sống, đáng để quay về. Do đó, rất cần có thêm sáng kiến, mô hình mới để các địa phương bắt tay vào thực hiện.

Đối với Chương trình OCOP, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, cần kích hoạt sự tham gia của cộng đồng để các chủ thể chăm chút chính sản phẩm OCOP của mình và để sản phẩm đi xa, bởi khi chúng ta chưa trân quý sản phẩm của mình thì đừng mong thị trường chấp nhận.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần thêm sáng kiến, mô hình mới cho nông thôn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.