Nông thôn mới

Ưu tiên nguồn lực đầu tư, hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới

Nguyễn Mai - Ảnh: Quang Thái 14/07/2023 13:22

Sáng 14-7, Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025” tổ chức hội nghị giao ban về kết quả thực hiện Chương trình đến hết quý II; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2023.

hoinghi01.jpg
Quang cảnh hội nghị. 

Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04; Nguyễn Doãn Toản, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04; Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 04.

15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết: Tổng kinh phí huy động thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2021 đến quý II-2023 là 49.889 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách thành phố chiếm 44,3%; ngân sách huyện chiếm 45,9%; ngân sách xã chiếm 4,1%; huy động ngoài ngân sách Nhà nước chiếm 5,7%...

Đến hết quý II-2023, thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới. 3 huyện: Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức chưa đạt chuẩn, đã hoàn thiện hồ sơ và được đoàn công tác của Trung ương kiểm tra thực tế, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ. Hiện, thành phố gửi lại hồ sơ và trình Hội đồng thẩm định nông thôn mới Trung ương xem xét công nhận.

hoinghi02.jpg
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại báo cáo tại hội nghị.

Bên cạnh đó, 5 huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức, Gia Lâm đang tập trung xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao...

Đối với cấp xã, đến nay, thành phố có 382/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), lũy kế từ năm 2019 đến nay, thành phố đã tổ chức đánh giá, công nhận được 2.167 sản phẩm OCOP. Trong quý II-2023, Sở NN&PTNT đã tổ chức cho một số chủ thể OCOP tham gia các hội chợ, phiên chợ OCOP tại các tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Bình Định, thành phố Hồ Chí Minh; các hội chợ do Bộ NN&PTNT và Hà Nội tổ chức… để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Đối với phát triển kinh tế nông thôn, quý II-2023, thành phố thành lập mới 29 hợp tác xã nông nghiệp và giải thể 18 hợp tác xã ngừng hoạt động. Như vậy, đến nay, thành phố có 1.389 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó, 1.165 hợp tác xã đang hoạt động, 224 hợp tác xã ngừng hoạt động, chờ giải thể.

Hà Nội cũng có 1.695 trang trại; duy trì 321 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận. Đối với nâng cao đời sống nông dân, toàn thành phố đã giải quyết việc làm cho 85.784 lao động, đạt 52,9% so với kế hoạch…

Về nhiệm vụ trong các tháng cuối năm 2023, thành phố phấn đấu  3 huyện còn lại (Ứng Hòa, Ba Vì, Mỹ Đức) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; hoàn thiện hồ sơ 4 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh đề nghị Trung ương công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có thêm 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Thành phố đánh giá, phân hạng được 400 sản phẩm OCOP trở lên; công nhận thêm 15 làng nghề, nghề truyền thống; 12 làng nghề, nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể…

Chuẩn bị chuyển sang giai đoạn mới

Tại hội nghị, các tham luận làm rõ về kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao, đến nay, Đông Anh đã đạt 6/9 tiêu chí. Một số tiêu chí nông thôn mới nâng cao cao hơn cả tiêu chí đô thị như: Trường học, cơ sở vật chất văn hóa…

Từ đầu năm tới nay, việc đấu giá đất gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới đầu tư hạ tầng. Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền cho biết, đến nay, tỷ lệ người dân trên địa bàn được sử dụng nước sạch tập trung mới đạt 43%. Bí thư Huyện ủy Ba Vì Dương Cao Thanh mong muốn được thành phố hỗ trợ xây dựng chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nông sản để nông dân yên tâm sản xuất.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho rằng, hiện nay, Hà Nội còn 3 huyện cuối cùng đang chuẩn bị được công nhận nông thôn mới. Từ đây, thành phố xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn mới của Thủ đô sẽ chuyển sang giai đoạn mới.

hoinghi03.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền phát biểu tại hội nghị.

Cụ thể, Hà Nội đã và đang "đặt hàng" các nhà khoa học, viện, học viện… hỗ trợ thành phố tập trung vào sản xuất các lĩnh vực chủ lực trong nông nghiệp. Trong đó, về chăn nuôi, tập trung vào phát triển con giống để cung cấp giống cho cả nước. Hà Nội định hướng cung cấp giống bò, lợn, gà… cho các địa phương để tạo chuỗi liên kết; cung cấp giống cho các tỉnh để chăn nuôi và đưa sản phẩm về Thủ đô.

Đối với trồng trọt, Hà Nội tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa như lúa, rau đặc trưng… Nông nghiệp sẽ phát triển theo hướng hữu cơ, thích ứng tự nhiên, tạo sản phẩm mùa vụ bền vững. Hiện, nhiều vùng trồng lúa còn khó khăn về nguồn nước tưới, thành phố giao Sở NN&PTNT rà soát diện tích khó khăn về nguồn nước để chuyển đổi sang cây trồng khác.

Phấn đấu thu nhập của người dân nông thôn đạt 70 triệu đồng/người/năm

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến hoan nghênh Thanh Trì là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đan Phượng là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Hiện, 3 huyện: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì đang phấn đấu hoàn thành huyện nông thôn mới nhưng tiêu chí nước sạch chưa đạt, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các huyện này cần chủ động, quá trình thực hiện khó khăn thì báo cáo thành phố để có giải pháp tháo gỡ.

hoinghi04.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu kết luận hội nghị.

Về những nhiệm vụ trong các tháng cuối năm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị thành phố và các địa phương tập trung chỉ đạo, ưu tiên dành nguồn lực đầu tư để bảo đảm hoàn thành các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu về đích đúng kế hoạch.

Đối với các huyện đang thực hiện đề án xây dựng thành quận như: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao chưa đạt, cơ bản đạt, hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trước khi lên quận.

Đối với các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023, đề nghị các huyện, thị xã đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, sớm hoàn thiện hồ sơ công nhận.

Về cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, đồng chí Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện tốt sản xuất vụ mùa; hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi đẩy nhanh tái đàn và áp dụng biện pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trong sản xuất; thực hiện đồng bộ các giải pháp, phấn đấu đến hết năm 2023, thu nhập của người dân nông thôn đạt 70 triệu đồng/người/năm…

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cũng giao Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố tổng hợp, báo cáo đầy đủ kiến nghị, phân loại nhóm vấn đề, tham mưu giao các thành viên Ban Chỉ đạo, lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố tập trung giải quyết các kiến nghị của địa phương; có văn bản trả lời và kiến nghị với Thành ủy, UBND thành phố giải quyết nếu vượt thẩm quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ưu tiên nguồn lực đầu tư, hoàn thành tiêu chí xây dựng nông thôn mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.