Theo Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện Thanh Oai định hướng phát triển đô thị xanh, sinh thái, trung tâm kinh tế phía Tây Nam Hà Nội. Với định hướng đó, những năm qua, Thanh Oai đã và đang tập trung xây dựng đồng bộ các nhóm hạ tầng cho phát triển kinh tế, trọng tâm là kinh tế xanh, nông thôn sạch, nông nghiệp sinh thái.
Hạ tầng giao thông đi trước
Nằm ven đô, nơi kết nối và là trung tâm giao thương giữa các huyện phía Nam và Tây Nam Hà Nội, Thanh Oai đã có bước chuyển mình rõ nét nhờ có hệ thống giao thông đồng bộ.
Theo Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng, để thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, sinh thái thì cần có hạ tầng đồng bộ. Đó là hệ thống giao thông và quỹ đất để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao.
Từ năm 2021 đến nay, Thanh Oai đã nâng cấp và cải tạo hơn 260km đường giao thông. Nhiều tuyến đường sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã trở thành động lực to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Hạ tầng giao thông được đầu tư xây dựng, giúp Thanh Oai thuận lợi hơn trong phát triển nông nghiệp, thương mại, dịch vụ.
“Bên cạnh đó, thực hiện các dự án đầu tư công giai đoạn 2021-2025, huyện đã triển khai thực hiện 173 dự án và đã hoàn thành 101 dự án. Thanh Oai cũng đã hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, về đích trước 1 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra”, Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Sáng thông tin.
Còn theo Trưởng phòng Kinh tế, hạ tầng và Đô thị huyện Thanh Oai Nguyễn Ngọc Minh, với tâm thế đầu tư hạ tầng để phục vụ cho cả vùng phía Nam thành phố cùng phát triển, nên các tuyến đường được Thanh Oai quy hoạch có mặt cắt từ 23m đến 50m. Hiện tại, toàn bộ các tuyến đường của huyện với chiều dài hơn 50km đều đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, bảo đảm cho các phương tiện lưu thông và kết nối đến trụ sở hành chính các xã. Công tác bảo trì hằng năm được Ban Duy tu các công trình giao thông thành phố thực hiện đối với các tuyến liên huyện, liên tỉnh; các tuyến còn lại được duy tu, bảo dưỡng từ nguồn kinh phí của huyện. Nhờ phát triển hạ tầng giao thông, Thanh Oai có tiềm năng thu hút doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp.
Kết nối các nhóm hạ tầng
Cùng với giao thông, trong những năm qua, Thanh Oai đã thực hiện song hành các nhóm hạ tầng là điện nông thôn và hạ tầng thủy lợi. Hệ thống mạng lưới điện lực phát triển rộng, các tuyến đường dây trung thế, hạ thế và dung lượng các trạm biến áp đã được cải tạo, chất lượng điện cơ bản ổn định.
Đối với hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, cấp nước tập trung và xây dựng chợ nông thôn, huyện Thanh Oai đã chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới... để đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, kiên cố hóa giao thông, kênh mương nội đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Vũ Quỳnh, trên địa bàn huyện có 2 con sông chính chảy qua là sông Đáy, sông Nhuệ và có 99 trạm bơm. Trong đó, thành phố quản lý 49 trạm bơm và huyện Thanh Oai bàn giao cho các xã, thị trấn, hợp tác xã, tổ hợp tác xã quản lý 50 trạm bơm, 80 máy bơm, với công suất từ 250 đến 1.800m3/giờ. Để bảo đảm tiêu úng và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội cải tạo các tuyến đê, kênh mương, nâng cấp các trạm bơm… Đặc biệt, gắn quy hoạch với xây dựng hạ tầng, Thanh Oai đã tập trung đầu tư có trọng tâm vào các vùng quy hoạch, trong đó có quy hoạch phát triển nông nghiệp.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Thanh Oai Khuất Hữu Tuấn cho hay, huyện đã đầu tư các tuyến đường, quy hoạch quỹ đất đối với các vùng kinh tế nông nghiệp, làng nghề, cụm công nghiệp. Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện đã xây dựng 20 mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 16 mô hình trồng lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ, 2 mô hình cây ăn quả, 3 mô hình trồng hoa lan, cùng với nhiều hoạt động phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh. Những mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
Để phát triển toàn diện kinh tế -xã hội, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết, huyện tiếp tục đầu tư vào các nhóm hạ tầng, như: Giao thông, điện, nước sạch, y tế, giáo dục... Các nhóm hạ tầng đều có tính kết nối, tác động với nhau, nên cần triển khai đồng bộ, bám sát quy hoạch, tận dụng lợi thế và định hướng phát triển của địa phương. Trong giai đoạn tới, huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực để xây dựng vùng sinh thái, phát triển đô thị hiện đại; vùng sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ, logistics và phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của Thủ đô. Bên cạnh đó, hệ thống các khu, cụm công nghiệp được quy hoạch, phát triển đồng bộ. Ngoài ra, huyện còn phát triển thương mại, dịch vụ, thể thao, các khu du lịch sinh thái gắn với phát triển du lịch làng nghề truyền thống, du lịch tâm linh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.