Nông thôn mới

Hà Nội hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025:Bước chuyển thực chất, nâng cao đời sống nông dân

Nguyễn Mai 25/04/2025 - 06:35

Mới đây, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia thành phố Hà Nội đã tiến hành bỏ phiếu, nhất trí đề nghị Trung ương xét, công nhận thành phố Hà Nội hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024.

Kết quả đạt được không chỉ khẳng định cho những nỗ lực bền bỉ, quyết liệt của hệ thống chính trị thành phố, tinh thần đoàn kết, đồng thuận, chung sức của người dân, mà còn đưa công tác xây dựng nông thôn mới của Thủ đô đi vào thực chất, tạo bước chuyển hiệu quả trong nâng cao đời sống nhân dân.

am-no.jpg
Diện mạo nông thôn mới khang trang tại xã Tam Hưng (Thanh Oai). Ảnh: Nguyễn Quang

Đường rộng, nhà đẹp, đời sống ấm no

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, Hà Nội đã hoàn thành 8/8 tiêu chí theo Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công nhận tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, Hà Nội đã có 100% số huyện, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 5 huyện được Thủ tướng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, gồm: Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh và Thanh Oai (yêu cầu của tiêu chí có ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tương ứng với 4 huyện).

Hà Nội hiện đã có 229/382 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt mức 40% theo yêu cầu của Trung ương. Hà Nội cũng đã hoàn tất Đề án xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, được HĐND thành phố thông qua theo đúng quy định.

Ngoài ra, Hà Nội cũng đáp ứng 3 tiêu chí khác, quy định tại Quyết định số 321/QĐ-TTg, là: “Có ít nhất 70% số kilômét đường huyện, đường tỉnh, quốc lộ trên địa bàn được trồng cây xanh dọc tuyến đường”; “Đất cây xanh sử dụng công cộng trên địa bàn tối thiểu là 4m2/người”; “Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước đạt từ 80% trở lên”…

Sự thay đổi của nông thôn Hà Nội không chỉ ở các con số mà thể hiện rõ qua đời sống thường nhật tại mỗi thôn, làng. Từ vùng ven đô đến các xã vùng sâu, như: Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên..., đường sá được cứng hóa; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa khang trang, đồng bộ. Người dân được tiếp cận tốt hơn với dịch vụ y tế, giáo dục và an sinh xã hội. So với năm 2020, đến hết năm 2024, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế toàn thành phố đạt 95,25%, tăng hơn 5%; tỷ lệ thôn, làng văn hóa đạt 95,4%, tăng 33,4% và tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 95%, tăng 5,8%; số lao động có việc làm thường xuyên đạt 98,3%, trong đó có 74,25% số lao động đã qua đào tạo.

Đặc biệt, lĩnh vực kinh tế nông thôn có bước phát triển ấn tượng. Hà Nội đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển chuỗi giá trị nông sản và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Năm 2024, tổng giá trị sản xuất lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của thành phố đạt 66.373 tỷ đồng, tăng 12,35% so với năm 2023. Giá trị xuất khẩu nông, lâm sản vượt 2 tỷ USD, trong đó nông sản, thực phẩm là 1,463 tỷ USD, tăng gần 34%.

Hướng tới nông thôn văn minh, hiện đại

Tại hội nghị xét công nhận thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới tổ chức ngày 18-4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, dù triển khai trong giai đoạn nhiều khó khăn, nhất là đại dịch Covid-19 và thiên tai, Hà Nội vẫn duy trì được quyết tâm và đạt nhiều kết quả nổi bật. Nếu được Trung ương công nhận trong năm nay, Hà Nội sẽ là địa phương đầu tiên thuộc nhóm thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Không dừng lại ở đó, thành phố đang bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu và thông minh. Thành phố cũng thúc đẩy xây dựng mô hình nông thôn sinh thái, nông thôn thông minh, tích hợp giữa công nghệ số và gìn giữ giá trị truyền thống, giữa phát triển kinh tế với bảo vệ cảnh quan, văn hóa làng xã.

Minh chứng cụ thể cho kết quả xây dựng nông thôn mới nâng cao là xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ. Theo Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp Hoàng Quang Giáp, những năm gần đây, địa phương có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tăng trưởng mạnh trong lĩnh vực thương mại - dịch vụ và công nghiệp đã kéo theo đời sống người dân không ngừng được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 92,2 triệu đồng/năm.

Xây dựng nông thôn mới là một quá trình dài hơi, cần sự liên tục và chiều sâu. Trong hành trình 14 năm qua, thành phố luôn đặt người dân ở trung tâm của mọi chính sách phát triển, hướng tới một nông thôn văn minh, hiện đại và bền vững. Diện mạo nông thôn Hà Nội hôm nay không chỉ thay đổi về cơ sở vật chất, mà đã có bước chuyển căn bản về kinh tế, xã hội và văn hóa.

Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Hà Nội đang sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã theo hướng lớn hơn, chính quyền địa phương cấp xã sẽ được trao nhiều quyền hạn hơn; tổ chức bộ máy và chế độ công chức, công vụ sẽ được đổi mới, bảo đảm yêu cầu, nhiệm vụ…

Kết quả này chính là tiền đề vững chắc để thành phố tiếp tục phát triển đô thị bền vững, xây dựng nông thôn kiểu mẫu - nơi không chỉ đáng sống, mà còn là niềm tự hào của người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025: Bước chuyển thực chất, nâng cao đời sống nông dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.