Nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội: Làm rõ khó khăn, xác định giải pháp

Ngọc Quỳnh ghi 15/07/2023 07:21

Hiện tại, trên địa bàn thành phố còn 3 huyện chưa hoàn thành xây dựng nông thôn mới và 5 huyện đang song hành xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với thực hiện các tiêu chí để phát triển thành quận. Tại Hội nghị giao ban quý II-2023 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy, nhiều ý kiến đã tập trung thảo luận về kết quả đạt được và làm rõ những khó khăn, các nhóm giải pháp để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Bí thư Huyện ủy Ứng Hòa Bùi Thị Thu Hiền:
"Kiến nghị thành phố có cơ chế đặc thù về giao đất cho các dự án bảo quản"

t3-ykien-bui-thi-thu-hien.jpg

Ứng Hòa là địa phương có diện tích trồng lúa lớn thứ 3 của thành phố với hơn 8.300ha, trong đó có 53% diện tích lúa trồng giống J02. Huyện cũng đứng thứ 3 thành phố về chăn nuôi với hơn 100.000 đầu lợn; trên 2 triệu gia cầm và đứng đầu thành phố về diện tích nuôi trồng thủy sản với hơn 4.000ha, sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm đạt hơn 25.370 tấn...

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp khó nhất vẫn là tìm đầu ra cho nông sản. Hiện tại, trên địa bàn huyện vẫn chưa có 1 khu chuyên chế biến, bảo quản, đóng gói sản phẩm. Nguyên nhân vì đầu tư vào lĩnh vực này hiệu quả kinh tế không cao, nên không mặn mà với doanh nghiệp. Vì vậy, huyện kiến nghị thành phố có cơ chế đặc thù về giao đất cho các dự án bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch; hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng... giúp nâng cao giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh:
"Hoàn thành huyện nông thôn mới nâng cao trước khi lên quận"

t3-ykien-nguyen-xuan-linh.jpg

Huyện Đông Anh xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao song hành với thực hiện tiêu chí lên quận. Hiện tại, huyện đã đạt 6/9 tiêu chí của huyện nông thôn mới nâng cao; còn 3 tiêu chí chưa đạt, là: Tiêu chí số 6 về kinh tế; tiêu chí số 7 là môi trường và tiêu chí số 5 về y tế, văn hóa, giáo dục. Xây dựng nông thôn mới nâng cao có rất nhiều tiêu chí cao hơn so với tiêu chí đô thị.

Hiện tại, Đông Anh mới có 3/5 trường trung học phổ thông đạt chuẩn quốc gia. Với chỉ tiêu chưa đạt, huyện Đông Anh đang phối hợp với các sở, ban, ngành của thành phố thực hiện các dự án đầu tư, cải tạo trường trung học phổ thông trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia theo quy định. Cụ thể huyện đang đầu tư xây dựng Trường Trung học phổ thông Đông Anh và Trường Trung học phổ thông Vân Nội đạt chuẩn quốc gia. Đông Anh quyết tâm hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao trước khi lên quận.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Đức:
"Phân bổ hết nguồn vốn theo kế hoạch cho các địa phương"

t3-ykien-nguyen-van-duc.jpg

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, năm 2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã tham mưu cho thành phố phân bổ hết nguồn vốn theo kế hoạch cho các địa phương. Trong đó, có 4 huyện: Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức vừa xây dựng nông thôn mới nâng cao, vừa thực hiện các tiêu chí lên quận, các huyện này khả năng nguồn lực tốt, nên thành phố không phải hỗ trợ nhiều. Với chỉ tiêu 40% xã nông thôn mới nâng cao (tương đương với 156 xã), đến hết năm 2022, Hà Nội đã có 111 xã đạt; kế hoạch năm 2023, Hà Nội phấn đấu có thêm 61 xã đạt chuẩn.

Nếu hoàn thành kế hoạch, thành phố sẽ vượt chỉ tiêu 20 xã so với kế hoạch. Về phần vốn cho các xã nông thôn mới nâng cao năm 2023, đến nay thành phố đã phân bổ đủ. Với nhóm chỉ tiêu có 20% xã nông thôn mới kiểu mẫu, đến hết năm 2022, đã có 20 xã đạt; kế hoạch 2023 là 33 xã đạt. Nếu đạt như dự kiến, Hà Nội sẽ có 53 xã nông thôn mới kiểu mẫu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội: Làm rõ khó khăn, xác định giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.