Chuyển đổi số

Chương Mỹ đẩy mạnh chuyển đổi số từ cơ sở

Kim Nhuệ 05/05/2025 - 06:24

Chuyển đổi số không còn là khẩu hiệu mà đã đi vào thực tiễn đời sống, từ bộ máy chính quyền đến từng người dân ở huyện Chương Mỹ. Nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hiệu quả đang góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, hình thành xã hội số tại địa phương này.

doi-so.jpg
Xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ) bố trí 2 bộ máy vi tính phục vụ người dân thực hiện các thủ tục hành chính qua mạng.

Xã Trung Hòa được đánh giá là một trong những đơn vị tiên phong trong thực hiện chính quyền số của huyện Chương Mỹ. Toàn bộ văn bản, hồ sơ công việc được tạo lập, ký số và xử lý trên môi trường điện tử. Hệ thống cơ sở dữ liệu đã được kết nối và chia sẻ đồng bộ với hệ thống của cấp trên, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình điều hành, quản lý theo hướng hiện đại.

Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hòa Nguyễn Thị Phượng cho biết, 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết được đưa ra tiếp nhận và giải quyết tại bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của xã. Cán bộ, công chức sử dụng trang thiết bị, công cụ được tích hợp trên hệ thống dịch vụ công quốc gia để thực hiện số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính...

Đánh giá từ thực tiễn cũng cho thấy, người dân ngày càng hài lòng với dịch vụ hành chính công tại địa phương. Anh Trần Văn Kiêm (thôn Trung Cao 1, xã Trung Hòa) chia sẻ: “Tôi đến đăng ký kết hôn và được cán bộ xã hướng dẫn tận tình. Thủ tục nhanh gọn, không phải đi lại nhiều, mọi thứ đều rất thuận tiện...”.

Không dừng lại ở những cải tiến trong xử lý hồ sơ hành chính, các xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ còn thể hiện sự linh hoạt, sáng tạo trong triển khai các mô hình phục vụ người dân, đặc biệt là nhóm yếu thế.

Một ví dụ tiêu biểu là xã Quảng Bị, nơi đang duy trì hiệu quả mô hình “giải quyết thủ tục hành chính tại nhà” cho những người cao tuổi, khuyết tật nặng, có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện sử dụng thiết bị thông minh. Mỗi tuần một buổi, từ 17h đến 18h thứ sáu, cán bộ xã Quảng Bị đến tận nhà để hỗ trợ người dân kê khai hồ sơ, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.

“Thay vì phải đến trụ sở xã nhiều lần, những người yếu thế ở Quảng Bị chỉ cần gửi phiếu đăng ký qua trưởng thôn. Sau đó, bộ phận "một cửa" sẽ tiếp nhận, giải quyết đúng quy định...”, Chủ tịch UBND xã Quảng Bị Vũ Văn Mạnh chia sẻ.

Tại xã Hoàng Diệu, việc ứng dụng nền tảng mạng xã hội vào điều hành công việc cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. Thay vì tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành văn bản giấy, các nhóm Zalo nội bộ đã được lập để chỉ đạo công việc theo từng lĩnh vực cụ thể. Chủ tịch UBND xã Hoàng Diệu Đào Danh Dũng cho biết: “Việc sử dụng Zalo giúp chúng tôi truyền đạt nội dung nhanh, phối hợp linh hoạt và tiết kiệm thời gian. Hiệu suất công việc tăng rõ rệt”.

Chuyển đổi số đang dần đi vào chiều sâu tại huyện Chương Mỹ, góp phần hình thành nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, lấy người dân làm trung tâm. Tính đến giữa tháng 4-2025, huyện Chương Mỹ đã có 100% dịch vụ công đủ điều kiện mức độ 4 được cung cấp trực tuyến; hơn 4.500 hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết qua môi trường số; 100% văn bản điện tử được ký số. Huyện cũng kích hoạt thành công hơn 121.000 tài khoản định danh điện tử, duy trì hiệu quả phần mềm điều hành, hội nghị trực tuyến tới 30 xã, thị trấn...

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Chương Mỹ Bùi Mạnh Thắng, thời gian tới, huyện tiếp tục xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong cải cách hành chính, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp và thu hút đầu tư vào địa bàn.

Hiện nay, huyện Chương Mỹ đang tập trung triển khai sắp xếp lại tổ chức bộ máy các xã, tiến tới không tổ chức cơ quan hành chính cấp huyện theo chủ trương chung. Sau khi bộ máy ổn định, các xã sẽ bố trí kinh phí thường xuyên cho công tác chuyển đổi số, đầu tư hạ tầng công nghệ, nâng cấp đường truyền internet, bổ sung trang thiết bị hiện đại cho bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả...

Từ thực tiễn ở huyện Chương Mỹ có thể thấy, khi chính quyền địa phương thay đổi cách nghĩ, cách làm, khi người dân được hỗ trợ tiếp cận công nghệ một cách thân thiện, linh hoạt thì chuyển đổi số sẽ trở thành động lực nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện hiệu quả làm việc và thúc đẩy phát triển bền vững.

Những mô hình sáng tạo tại các xã: Trung Hòa, Quảng Bị, Hoàng Diệu... không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực mà còn là minh chứng sinh động cho quan điểm “lấy người dân làm trung tâm” trong xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số. Từ nền tảng đó, huyện Chương Mỹ hoàn toàn có thể tiến xa hơn trong hành trình chuyển đổi số toàn diện, phát triển kinh tế số, nâng cao chất lượng sống cho người dân nông thôn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương Mỹ đẩy mạnh chuyển đổi số từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.