(HNM) - Như Hànộimới đã có loạt bài phản ánh: Hiện tại, địa bàn Hà Nội có 17 khu công nghiệp, khu công nghệ cao với 146.000 công nhân, nhưng hầu hết không có trường học cho con em lao động.
Có trường học cho con em là nguyện vọng của đông đảo công nhân các khu công nghiệp. Ảnh: Sơn Hà |
Chị Nguyễn Hoàng Anh (quê Phú Thọ), công nhân Khu công nghiệp Thăng Long: Mong sớm có trường học tại khu công nghiệp
Hai con gái đến tuổi mẫu giáo nhưng tôi phải gửi về quê với ông bà. Vì cháu không đủ điều kiện học trường mầm non công lập nên nếu gửi nhóm trẻ hoặc trường tư thục thì học phí cao hơn gấp đôi nhưng chất lượng lại không bảo đảm. Thu nhập của hai vợ chồng tôi không đủ nuôi 2 con trong điều kiện kinh tế eo hẹp, đành chấp nhận xa con. Một số công ty có tổ chức trông trẻ cho con em công nhân nhưng không phải ai cũng may mắn được hưởng điều này. Nếu ngay từ đầu khu công nghiệp có xây dựng riêng trường mầm non thì tốt biết bao nhiêu. Rất mong thành phố chỉ đạo các chủ đầu tư sớm xây dựng các trường cho con của công nhân và các nhu cầu khác đúng như trong quy hoạch đã đề ra.
Ông Trần Văn Luật, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quốc Oai: Cải tạo, nâng cấp trường mầm non công lập là cần thiết
Thị trấn Quốc Oai có số dân đông nhất, nhì huyện với 15.390 người. Ngoài ra, có 3.482 người tạm trú, chủ yếu là công nhân làm việc tại các công ty, nhà máy tại Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai. Vì vậy, nhu cầu gửi trẻ từ 6 tháng trở lên hiện nay trên địa bàn thị trấn rất lớn.
Tuy nhiên, hiện chỉ có 3 trường mầm non công lập và chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, có hộ khẩu tại thị trấn Quốc Oai. Điều này đồng nghĩa với việc con em công nhân tạm trú không có cơ hội vào học ở các trường công lập, phải gửi tại các trường tư thục và nhóm trẻ.
Điều đáng nói là Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai không có trường mầm non nào dành cho con em công nhân. Nhằm bảo đảm tất cả trẻ em trong độ tuổi được đến trường, theo tôi việc cải tạo, nâng cấp các trường mầm non công lập hiện có là vô cùng cấp bách.
Song song với đó, cần có kế hoạch đầu tư xây mới thêm trường mầm non công lập để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Đồng thời, Ban Quản lý Khu công nghiệp Thạch Thất - Quốc Oai cũng nên tính phương án xây dựng ít nhất 1 trường mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của công nhân.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội: Sẽ sớm có phương án đáp ứng nhu cầu gửi trẻ
Tại Ðại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ 16, nhiệm kỳ 2018-2023 ngày 24-4 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ðức Chung đã yêu cầu Liên đoàn Lao động thành phố, Ban Quản lý các khu công nghiệp và đơn vị liên quan thống kê danh sách, báo cáo thành phố ngay trong quý II về nhu cầu gửi trẻ của công nhân trên địa bàn Hà Nội. Hiện tại, Công đoàn Khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội đang triển khai khảo sát nhu cầu nhà ở, chỗ học cho trẻ tới các công đoàn cơ sở.
Trong quá trình khảo sát, thống kê đã nảy sinh những khó khăn, phức tạp. Cụ thể, số lượng công nhân làm việc tại các khu công nghiệp lớn, nhu cầu gửi trẻ nhiều nhưng thiếu thốn trường học nên công nhân thường thay đổi ý định, khi thì cho con về quê học, lúc lại cho lên cùng bố mẹ nên số liệu không ổn định, thời gian khảo sát kéo dài. Dự kiến đến ngày 10-8-2018 khi có kết quả cụ thể, Công đoàn Khu công nghiệp - chế xuất Hà Nội sẽ báo cáo đề xuất thành phố để sớm có phương án đáp ứng nhu cầu gửi trẻ đang rất bức thiết hiện nay.
Bà Dương Thị Sáu, Trưởng phòng Giáo dục huyện Đông Anh: Cần có cơ chế cấp định mức tương đương giữa trường công và trường tư
Hiện nay, có 63.000 công nhân đang làm việc ở xã Kim Chung (huyện Đông Anh). Số trẻ đến trường mầm non là 2.175 trẻ, tuy nhiên chỉ có 66,3% (1.443 trẻ) được học trường công lập. Năm 2016, thành phố đã đầu tư xây dựng Trường Mầm non Kim Chung A, đáp ứng nhu cầu cho 300 trẻ. Trước tình hình cấp bách này, tháng 7-2018, UBND thành phố đã khởi công 1 trường mầm non ở thôn Bầu, đáp ứng chỗ học cho 200 trẻ.
Tại thời điểm này, thành phố cũng lập dự án đầu tư Trường THCS Kim Chung 2. Về phía huyện, theo kế hoạch sau năm 2020 sẽ đầu tư xây dựng Trường Tiểu học Kim Chung 2 nhưng vì thiếu trường, lớp nên đã đẩy nhanh tiến độ, thực hiện dự án từ tháng 7-2018.
Đồng thời từng bước bảo đảm quy mô trường, lớp, số trẻ/nhóm không vượt quá quy định, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư mở trường ngoài công lập. Mới đây, UBND huyện Đông Anh và UBND quận Thanh Xuân phối hợp đầu tư xây dựng thêm 1 trường mầm non, đáp ứng nhu cầu cho 600 trẻ tại thôn Bầu.
Với tiến độ đề ra, đến năm 2020, có thể đáp ứng được nhu cầu của trẻ em trên địa bàn. Tuy nhiên, mong rằng thành phố có cơ chế cấp định mức cho trẻ học ở trường tư thục giống trẻ học trong các trường công lập.
Đồng thời, tăng cường chỉ đạo các nhà đầu tư khu công nghiệp xây dựng khu nhà ở với hệ thống trường mầm non, trung tâm văn hóa, trung tâm y tế để bảo đảm an sinh xã hội cho trẻ. Chúng tôi cũng mong muốn thành phố hỗ trợ kinh phí để mua đồ dùng, đồ chơi cho các nhóm trẻ ở nơi khó khăn khi các trường công lập không đáp ứng được yêu cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.