(HNM) - Với sự phát triển của công nghệ, doanh nghiệp nước ngoài có thể cung cấp các chương trình truyền hình theo hình thức xuyên biên giới vào Việt Nam.
Nhiều kênh chương trình nước ngoài đang đang được phát sóng tại Việt Nam. Ảnh: VTV |
Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông), Việt Nam hiện có 34 doanh nghiệp truyền hình trả tiền, hơn 14 triệu thuê bao truyền hình trả tiền. Trong đó, có 16 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền qua mạng internet (OTT), chiếm tỷ lệ 46%. Cả nước hiện có 194 kênh truyền hình, số lượng kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép biên tập để cung cấp là 69 kênh, số lượng đại lý kênh truyền hình nước ngoài là 11 kênh. Doanh thu từ truyền hình trả tiền năm 2016 là 7.500 tỷ đồng, năm 2017 là 7.800 tỷ đồng, nửa năm 2018 doanh thu đạt 3.900 tỷ đồng. Một vài số liệu trên cho thấy, tiềm năng của thị trường truyền hình trong nước là rất lớn. Sự phát triển của công nghệ đã làm xuất hiện các loại hình dịch vụ với hình thức kinh doanh mới là xu thế tất yếu.
Trở lại với truyền hình xuyên biên giới, qua mạng internet, các nhà cung cấp nội dung đã cho phép người dùng xem phim và các chương trình truyền hình có bản quyền trên nhiều thiết bị (smartphone, tablet, tivi...), với mức phí cố định hằng tháng (từ 45.000 đồng/tháng đến 60.000 đồng/tháng). Đáng chú ý, các phim cung cấp tại thị trường Việt Nam đều có phụ đề tiếng Việt và để thu phí người dùng họ cũng đưa ra các hình thức thanh toán tiện lợi qua thẻ tín dụng quốc tế, thẻ ATM, thẻ cào điện thoại (trước đây), ví điện tử. Điều đáng nói, ngoài yếu tố công nghệ thì phải kể đến các nhà cung cấp nội dung này có thế mạnh sở hữu các chương trình "ăn khách", đặc biệt là kho phim "bom tấn"...
Vì vậy, họ đã, đang đe dọa lớn đến hoạt động các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, nhà đài trong nước. Trong tháng 9 vừa qua, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam (VN PayTV) đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp quản lý để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, công bằng cho các doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước, sau khi mạng xã hội Facebook đạt được thỏa thuận bản quyền phát sóng giải ngoại hạng Anh ở khu vực châu Á...
Sự tham gia của doanh nghiệp truyền hình xuyên biên giới đã tạo ra sự bất bình đẳng với doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước. Nói như vậy là bởi, để có chương trình phát sóng, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, nhà đài trong nước phải thực hiện quy định về cung cấp dịch vụ, chịu sự thẩm định và kiểm duyệt nội dung. Để được phát sóng, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền phải bảo đảm quy định về tỷ lệ phát sóng kênh thiết yếu, tỷ lệ giữa kênh trong nước và kênh nước ngoài. Và sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến việc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đều có đóng góp thuế, phí quyền cung cấp dịch vụ cho Nhà nước.
Trong khi đó, các doanh nghiệp truyền hình xuyên biên giới thì không phải chịu sự ràng buộc nào. Điều này đã tạo sự bất bình đẳng với doanh nghiệp trong nước. Câu chuyện này cũng khiến nhiều người liên tưởng đến "cuộc chiến" giữa các hãng xe công nghệ (grab) với taxi truyền thống đang diễn ra, hoặc giữa các nhà cung cấp OTT (như Viber...) và nhà mạng. Song, theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp truyền hình xuyên biên giới và truyền hình trả tiền trong nước không thể so sánh với cuộc cạnh tranh giữa các hãng xe. Vì, nếu các hãng xe chỉ là phương tiện đi lại, truyền hình là lĩnh vực kinh doanh về nội dung có điều kiện với quy định chặt chẽ...
Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến góp ý để trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 06/2016/NĐ-CP về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình. Trong đó, cơ quan soạn thảo đã đề xuất sửa đổi, nêu rõ doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ truyền hình xuyên biên giới vào Việt Nam phải tuân thủ quy định của pháp luật như doanh nghiệp truyền hình trả tiền trong nước; quy định về quảng cáo trên kênh chương trình nước ngoài...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.