Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần quản lý chặt, xử lý nghiêm từ gốc

Nguyên Hà| 15/06/2015 06:52

(HNM) - Sự kiện Công ty TNHH Sản xuất và chế biến rau an toàn (RAT) Ba Chữ, đóng trên địa bàn xã Vân Nội, huyện Đông Anh mập mờ, đưa



Theo thông tin của người dân xã Vân Nội (Đông Anh) đến đường dây nóng Báo Hànộimới, gần đây các anh Lê Văn Kiên, Chử Văn Thắng… (là các xã viên HTX Sản xuất và tiêu thụ RAT Đạo Đức) đã thường xuyên thu gom rau, củ, quả Trung Quốc và rau được gieo trồng không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn ở các địa phương khác về sơ chế, đóng nhãn mác đã được cơ quan chức năng kiểm định, cấp tem nhãn chứng nhận rồi đưa vào thị trường nội thành bán với giá cao gấp nhiều lần so với "rau chợ" để kiếm lời. Đáng chú ý, ngày hai lần, các xã viên này thường vận chuyển, đưa vào một số siêu thị ở nội đô khoảng 10 tấn "rau chợ" được gắn mác RAT, nhưng chưa bị cơ quan chức năng hay các siêu thị phát giác bằng biện pháp kiểm định chất lượng cũng như nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Tìm hiểu thực tế tại chợ đầu mối rau Vân Nội vào sáng 29-5, phóng viên nhận thấy, bên cạnh các sản phẩm được gieo trồng theo tiêu chuẩn an toàn đã được các đầu mối có uy tín bao tiêu, tại đây vẫn xuất hiện các loại rau, củ, quả chưa qua kiểm định từ các địa phương khác chở đến bày bán tự do cho người có nhu cầu thu gom. Khi đã "gom" đủ số lượng theo đơn đặt hàng của khách, các đầu mối cung cấp rau tại xã Vân Nội thường chỉ đem sản phẩm về sơ chế bằng cách rửa nước và cắt tỉa sao cho bắt mắt...; sau đó cho nhân viên buộc bó, đóng gói, vận chuyển đến các bếp ăn, nhà hàng và hệ thống một số siêu thị trên địa bàn Thủ đô với mác rau sạch.

Đối với HTX Sản xuất và tiêu thụ RAT Đạo Đức, đơn vị này được thành lập từ năm 2003, hiện nay đang quản lý 25ha đất nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho hơn 220 hộ gia đình xã viên. Mỗi ngày, HTX cung cấp cho các hệ thống siêu thị, nhà hàng… khoảng 20 tấn rau, củ, quả được trồng theo quy trình IPM (quy trình quản lý dịch hại tổng hợp của thế giới). Tuy nhiên, do nhu cầu của một số khách hàng cần tiêu thụ rau trái vụ, HTX này vẫn phải đặt hàng hoặc thu mua lại sản phẩm ở huyện Mộc Châu (Sơn La) và các địa phương lân cận… "Mục sở thị" tại xưởng tập kết và chế biến RAT của HTX, phóng viên phát hiện hàng trăm bó rau nằm "chềnh ềnh" trên kệ kê sát mặt đất, chờ đến giờ chuyển vào thành phố. Cũng tại đây, bà Đỗ Thị Liên, Chủ nhiệm HTX này cho biết: "Đã là RAT thì không cần sơ chế!". Trên thực tế, các anh Lê Văn Kiên, Chử Văn Thắng… vốn là những xã viên thay mặt cho HTX làm nhiệm vụ phát triển dịch vụ, mở rộng thị trường, nhưng để có thêm thu nhập, hằng ngày gia đình họ vẫn đứng ra thu gom, sơ chế, cung cấp sản phẩm RAT cho các bếp ăn và nhà hàng, khách sạn. Trước việc dư luận cho rằng những xã viên này đã lợi dụng thương hiệu của HTX để biến "rau chợ", rau Trung Quốc thành RAT Vân Nội, bà Đỗ Thị Liên hứa sẽ tiếp thu phản ánh và kiểm tra chặt chẽ hoạt động kinh doanh của hộ gia đình các xã viên trên…(!) Còn Chủ tịch UBND xã Vân Nội Trần Văn Vỏ thì khẳng định: Việc có thông tin một vài xã viên lợi dụng uy tín, thương hiệu của HTX để gian lận có thể xuất phát từ sự cạnh tranh của các đơn vị khác trên địa bàn. Song, đối với việc quản lý chất lượng sản phẩm đầu vào của HTX, ông Trần Văn Vỏ lại không thể khẳng định được hiện nay HTX đã đủ năng lực và điều kiện để thực hiện đúng theo quy định đề ra hay chưa?

Nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, giải tỏa những khúc mắc của người dân xung quanh việc một số xã viên và các đơn vị khác trên địa bàn có lợi dụng uy tín, thương hiệu rau sạch của HTX để đưa rau không sạch vào nội đô tiêu thụ, đề nghị các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thu gom, xử lý và vận chuyển đi tiêu thụ RAT ở nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần quản lý chặt, xử lý nghiêm từ gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.