(HNM) - Dù đã rất nỗ lực, nhưng thành phố Hà Nội, cũng như nhiều địa phương khác vẫn gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu gửi trẻ là con em công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Hiện nay, phần lớn các trường mầm non công lập ở các địa phương có khu công nghiệp, khu chế xuất bị quá tải.
Nhiều gia đình công nhân phải gửi trẻ tại các nhóm, lớp mầm non tư thục. Tuy rằng, các cơ sở mầm non tư thục là một phần của mục tiêu xã hội hóa giáo dục, song nhiều trường được mở tự phát, chưa được cấp phép, không bảo đảm điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, không bảo đảm chất lượng giáo dục, thậm chí gây nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Gánh nặng nuôi dạy con thêm đè nặng lên đôi vai của những người công nhân.
Ngày 14-6-2019, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục sửa đổi, trong đó quy định về chính sách ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất. Tuy nhiên, cụ thể hóa giải pháp để mục tiêu thành hiện thực cần cả những chính sách đặc thù cũng như sự nỗ lực của nhiều cấp, ngành, địa phương.
Có 3 vấn đề lớn đặt ra cần giải pháp cả cho ngắn hạn và lâu dài để hệ thống giáo dục mầm non tại các địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất phát triển bền vững, bao gồm: Chính sách để khuyến khích, ưu đãi nhà đầu tư phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập (xã hội hóa giáo dục); chính sách với giáo viên mầm non ngoài công lập; chính sách cho trẻ là con của công nhân.
Một trong những vấn đề vướng mắc nhất hiện nay được các đoàn khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận là tình trạng thiếu quỹ đất dành cho xây dựng trường lớp. Mặc dù, Chính phủ cho phép các địa phương được dùng đất dự phòng, đất hành lang ở các khu công nghiệp, khu chế xuất để xây dựng trường học. Nhưng chủ trương này chưa được cụ thể hóa, nên đến nay các địa phương hầu như chưa thực hiện. Do đó, các bộ, ngành cần có sự thống nhất, sớm có văn bản hướng dẫn tạo điều kiện thuận lợi, hợp lý cho chủ đầu tư trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi tham gia xã hội hóa giáo dục; áp dụng chính sách đặc thù, như: Được ưu tiên thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, miễn tiền thuê đất trong suốt thời gian hoạt động, ưu đãi vay vốn tín dụng và hỗ trợ đầu tư…
Đối với đội ngũ giáo viên, hầu hết các địa phương hiện nay đều kiến nghị tăng biên chế giáo dục mầm non ngoài công lập, tăng định biên giáo viên đứng lớp để đáp ứng thực tế làm việc theo ca và tăng ca của công nhân. Đồng thời, nâng mức lương và có những chính sách hỗ trợ cho giáo viên mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm ổn định tâm lý, giúp giáo viên yên tâm công tác, cống hiến.
Đối với trẻ mầm non, các địa phương cần quan tâm bảo đảm sự công bằng trong giáo dục, làm sao để con em công nhân đến trường đều được hưởng chính sách như con em ở địa phương. Ưu tiên xây dựng chính sách để trẻ học trong các trường tư thục được hưởng các chế độ chính sách như trẻ học trong các trường công lập; hỗ trợ chi phí học tập cho trẻ, nhất là ở những nơi điều kiện kinh tế khó khăn.
Mỗi địa phương căn cứ các đặc thù riêng về kinh tế, điều kiện cơ sở vật chất để đưa ra các giải pháp quản lý và phát triển phù hợp, khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng khu nhà ở cho con em công nhân; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phúc lợi như trung tâm văn hóa, trung tâm y tế để bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em… Đây sẽ là những giải pháp rất quan trọng trong việc bảo đảm quyền được học tập, chăm sóc của trẻ là con em công nhân, góp phần thúc đẩy mạnh hơn việc phát triển cơ sở giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.