Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân nhắc các quy định mới trong Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Tiến Thành| 16/09/2020 11:41

(HNMO) - Sáng 16-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 48, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Tiếp tục băn khoăn về việc tách hai luật

Trình bày tờ trình dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, mục tiêu cơ bản và lớn nhất của việc xây dựng Luật là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ…

Dự thảo Luật gồm 8 chương, 72 điều với những nội dung cơ bản về quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tổ chức an toàn giao thông, chỉ huy, điều khiển giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; thực thi pháp luật trong phát hiện, xử lý vi phạm và quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thảo luận về dự án Luật, đa số các ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình đồng thời cả hai dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ để Quốc hội xem xét.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt nhận định, Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ không trái với quy định của Hiến pháp và không xung đột với các luật khác. Việc tách hai dự án luật thể hiện quyết tâm cao của hai bộ chủ quản, bảo đảm quản lý tốt hơn, chuyên sâu hơn về bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của giao thông đường bộ và kinh tế - kỹ thuật của giao thông đường bộ.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu vấn đề, nếu sửa Luật Giao thông đường bộ thì sau này có tiếp tục sửa các luật về giao thông đường sắt, đường thủy, đường hàng không hay không?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, giao thông đường bộ là một thể thống nhất của các yếu tố, bao gồm giao thông động và giao thông tĩnh. Việc sát hạch, cấp giấy phép lái xe tại nhiều quốc gia cũng không giao cho cơ quan công an, cảnh sát quản lý. Về quy hoạch giao thông, bên cạnh việc Chính phủ thống nhất quản lý thì trách nhiệm chính phải thuộc về Bộ Giao thông Vận tải.

“Cần rà soát kỹ phạm vi của Luật, phạm vi nào thuộc quản lý nhà nước của bộ đã có thực tiễn, kinh nghiệm thì phải giữ ổn định”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.

Cần quy định chi tiết các nội dung trong dự thảo Luật

Cho ý kiến về các quy định cụ thể trong dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng: "Quy định về thắt dây an toàn, xe máy được chở 2 người dưới 14 tuổi… và một số hành vi bị cấm chưa thực sự phù hợp với thực tế, cần tiếp tục rà soát, bổ sung. Cần nâng mức phạt hành chính, tăng các quy định tạm giữ giấy phép lái xe có thời hạn hoặc thu vĩnh viễn".

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng đồng tình với quan điểm trên, đồng thời nêu ý kiến tăng mức xử phạt để tăng sức răn đe, phòng ngừa vi phạm, đồng thời có thêm nguồn lực cải tạo hạ tầng, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý giao thông.

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhận định, một số quy định mới được nêu trong dự Luật như đấu giá biển kiểm soát, trừ điểm trên giấy phép lái xe… có tác động đến hàng triệu người nên cần cân nhắc thận trọng trước khi quy định trong Luật. Việc giao quyền quản lý sát hạch lái xe từ bộ này sang bộ kia cũng cần có tổng kết, đánh giá.

Tổng Thư ký - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị nghiên cứu thêm, đưa vào dự Luật quy định về việc mỗi phương tiện chỉ có một biển kiểm soát, có quy định cụ thể để tránh tình trạng như gần đây có một số phương tiện sử dụng hai biển kiểm soát.

“Đã là luật chuyên biệt thì phải quy định chi tiết, một số quy định cần được tiếp tục xem xét, bổ sung cho hoàn chỉnh”, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Giải trình về một số nội dung, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong quá trình xây dựng dự Luật, Bộ Công an và Bộ Giao thông Vận tải đã xác định hai lĩnh vực rõ ràng, cụ thể, khẳng định trách nhiệm của mỗi bên. Về đào tạo, sát hạch lái xe, quan điểm của cơ quan soạn thảo là thực hiện xã hội hóa. Bộ Công an sẽ đưa ra các tiêu chí sát hạch, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ để cấp giấy phép lái xe, hạn chế việc làm giả giấy phép.

“Đấu giá biển kiểm soát là nguyện vọng của các chủ phương tiện giao thông và cần coi đây là tài nguyên đang bị lãng phí. Vấn đề này, ngoài việc được quy định trong Luật cũng sẽ được điều chỉnh ở các luật khác để bảo đảm tính khả thi”, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc nói.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ kết luận phiên họp.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết phải có các quy định mang tính tổng thể, đầy đủ, chặt chẽ để điều chỉnh các nội dung về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát quy định của cả hai dự thảo luật để phân định rành mạch các vấn đề trùng lặp, làm rõ các quy định có mối quan hệ qua lại, hỗ trợ lẫn nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất hai dự án luật cùng được trình tại kỳ họp thứ mười.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cân nhắc các quy định mới trong Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.