(HNM) - Đợt nắng nóng cao điểm tháng 5 và 6-2021, dù người dân phải thanh toán tiền điện vượt trội so với những tháng trước đó nhưng thông tin phản ánh với ngành Điện lại giảm đi rất nhiều. Đó là do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nỗ lực chuyển đổi số, minh bạch hơn trong công tác kinh doanh điện. Các phần mềm theo dõi dễ dàng cài đặt trên điện thoại thông minh giúp khách hàng kiểm soát được điện năng tiêu thụ.
Tuy nhiên, với người dân sử dụng điện qua "trung gian" là những đơn vị mua bán điện từ EVN qua công tơ tổng rồi bán lại cho khách hàng thì không được như vậy. Đơn cử như tại chung cư Việt Đức Complex (số 39 đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân), trong kỳ thu tiền điện tháng 6 vừa qua, có đến 30% số hộ dân ở đây phàn nàn về tiền điện tăng đột biến. Cũng lượng điện tiêu thụ như tháng 5-2021, nhưng sang tháng 6 thì tăng gấp rưỡi. Nhiều hộ dân thông tin, ở đây tính minh bạch không rõ ràng, từ việc thời gian ghi chỉ số công tơ, đến việc sử dụng công tơ cơ khí, không thông báo cảnh báo với khách hàng khi điện tiêu thụ tăng; nếu có khiếu nại, chậm đóng tiền thì… cắt điện.
Theo Tổng công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVNHANOI), việc kinh doanh điện như tại chung cư Việt Đức Complex trên địa bàn Hà Nội hiện nay không phải là ít. Vì lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư lập ra các công ty con, thực hiện các thủ tục để được cấp giấy phép kinh doanh điện và sau khi có lãi một thời gian, hết thời hạn khấu hao của đường dây, thiết bị thì họ bàn giao cho ngành Điện tiếp quản. Điều này cũng gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành sau này.
Thiết nghĩ, việc cấp phép kinh doanh điện như trên cần được ngành Công Thương xem xét kỹ càng, nâng cao tính minh bạch, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.