(HNMO)- Sáng 30-10, 51 ĐBQH đóng góp ý kiến và tham gia tranh luận vể Báo cáo giám sát của Quốc hội về cải cách tổ chức bộ máy với tinh thần thẳng thắn, xây dựng và trách nhiệm.
Cấp trung gian là cấp nào, "bộ trong bộ" xảy ra ở đâu?
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An). |
ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho rằng, trong Báo cáo giám sát của Quốc hội, một đánh giá quan trọng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần là "bộ máy bên trong các bộ, cơ quan ngang bộ còn nhiều tầng lớp trung gian, tình trạng "bộ trong bộ" càng nặng nề thêm. Xuất phát từ đánh giá này, nên trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ghi rõ "giảm cấp trung gian". Tuy nhiên, cấp trung gian là cấp nào, tình trạng "bộ trong bộ" xảy ra ở đâu thì trong báo cáo giám sát không chỉ rõ.
ĐB Nguyễn Hữu Cầu tiếp tục phân tích: 17/22 bộ, cơ quan ngang bộ hiện có tổng cục. 5 đơn vị còn lại là Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Thanh tra Chính phủ, và Ủy ban Dân tộc không có tổng cục vẫn hoạt động bình thường.
Số lượng tổng cục hiện nay của 17 bộ là 40, dưới tổng cục là có các cục, vụ, văn phòng, phòng, chi cục. Trong bộ máy các bộ này vừa có văn phòng bộ vừa có văn phòng tổng cục mà văn phòng thì rõ ràng là phục vụ.
"Với phân tích trên đề nghị Quốc hội nên làm rõ cấp trung gian là cấp nào để giảm cho đúng. Đã đến lúc Quốc hội cần mạnh dạn chỉ rõ cấp trung gian trong các bộ, ngành chính là cấp tổng cục và cấp phòng trong các vụ cục, cần phải giảm.
Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm, tế nhị, không thể cào bằng vì mỗi bộ, ngành có một đặc điểm riêng nhưng nhất khiết phải giảm chứ không để nhiều như hiện nay" - ĐB Nguyễn Hữu Cầu thẳng thắn nêu.
ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định). |
Phát biểu trước đó, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cũng nêu ví dụ về sự cồng kềnh nhiều tầng nấc trong nhiều bộ là việc thành lập các phòng trong vụ chuyên môn. Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị đã nêu cơ bản không tổ chức phòng trong vụ và Nghị định số 123 của Chính phủ cũng đã quán triệt rất rõ ràng chủ trương nêu trên.
"Tuy nhiên qua báo cáo của Chính phủ cho thấy hiện nay chỉ có 2/22 vụ không có phòng trong vụ còn tất cả các vụ còn lại còn có phòng, chiếm tới 63,3%. Hiện nay số phòng trong vụ đã giảm nhưng vẫn còn tới 681 phòng... Rõ ràng chúng ta biến cái cá biệt, cái đặc thù thành phổ biến”- ĐB Mai Thị Phương Hoa nói.
Ngoài ra, ĐB Mai Thị Phương Hoa nêu một số vụ được giải thể nhưng một số nơi lại đẩy lên thành cục và lại có phòng, vụ trong cục. Việc này góp phần dẫn tới việc lãnh đạo nhiều hơn công chức, do thiếu cương quyết, còn nể nang trong việc ra quyết định.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng, trong tổ chức thực hiện từ bộ, ngành đến các tỉnh, thành phố thực hiện thiếu nghiêm túc, thậm chí còn tuỳ tiện trong bổ nhiệm, đề bạt, thành lập các vụ, viện, hình thành một số chức danh không đúng quy định như hàm vụ trưởng, vụ phó.
ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình). |
Quy định của các bộ là không quá 4 thứ trưởng nhưng có bộ vượt lên đến 9 thứ trưởng. Việc làm này dẫn đến tình trạng "Trung ương làm được thì tỉnh làm được, tỉnh này làm được thì tỉnh kia làm được và tỉnh làm được thì huyện, xã, phường làm được.
Bộ làm được thì các sở ngành làm được và từ đó mà cấp phó tăng nhanh không chỉ trong các cơ quan nhà nước mà còn cả ở các cơ quan đảng và đoàn thể. Thực tế có những phòng ban phần lớn là lãnh đạo, thậm chí chỉ có lãnh đạo mà không có nhân viên.
Kỷ luật hành chính chính chưa nghiêm, còn "nhẹ trên, nặng dưới"
Kỷ luật hành chính, kỷ luật, đạo đức công vụ cũng là những vấn đề được nhiều ĐB tham gia góp ý.
ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên). |
ĐB Nguyễn Hồng Vân (Phú Yên) nêu, kỷ luật hành chính hiện chưa nghiêm, còn nhẹ trên, nặng dưới. Cử tri và nhiều cán bộ lão thành rất bức xúc việc khi Ủy ban Kiểm tra của Đảng và các cấp phát hiện và nêu ra các sai phạm của cán bộ, đảng viên đều đánh giá là "nghiêm trọng", "rất nghiêm trọng", xử lý kỷ luật về Đảng nhưng về chính quyền thì chưa xem xét các mức độ sai phạm, truy cứu trách nhiệm về pháp luật như thế nào. Áp dụng hình thức cho "thôi" giữ chức vụ, nhưng đây đâu phải hình thức kỷ luật.
"Kỷ luật công vụ, đạo đức nghề nghiệp, được đề cập mờ nhạt trong báo cáo. Vấn đề nhức nhối được cử tri quan ngại đó là tình trạng cán bộ công chức viên chức thờ ơ, vô cảm, quan liêu, hách dịch, vi phạm kỷ luật, bằng cấp giả, chạy chức chạy quyền bổ nhiệm thần tốc, tình trạng trên bảo dưới không nghe, coi thường kỷ luật kỷ cương hành chính vẫn còn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều nơi.
Biện pháp hữu hiệu nhất là phải có chế tài đủ mạnh, biện pháp xử lý nghiêm khắc, khẩn trương nghiên cứu đưa ra bộ quy tắc điều chỉnh hành vi chuẩn mực đạo đức công vụ được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật, tức là pháp lý hoá, chuẩn mực đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, các cơ quan nhà nước cần mạnh tay đưa ra khỏi bộ máy những người phi đạo đức, hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan, tổ chức" - ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) kiến nghị.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) cũng thẳng thắn nêu hai hạn chế nổi bật biểu hiện ở công chức nước ta là không ý thức được mình là công bộc của dân.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng). |
"Nguyên nhân khiến không ít quan chức vô cảm, quan liêu, hách dịch với dân là do họ ít phụ thuộc vào dân. Từ việc tuyển chọn, bổ nhiệm, đề bạt đến nâng lương, đánh giá, khen thưởng, công chức chỉ phụ thuộc vào cấp trên.
Công chức chỉ tiếp xúc với dân trong vai người đến xin việc này, việc kia cho nên dễ quên rằng chính những người đang có việc nhờ cậy họ giải quyết là những người đóng thuế trả lương cho mình, tức là ông bà chủ thực sự của mình.
Hai là công chức không thạo việc. Hầu hết công chức hiện đều có đủ bằng cấp, chứng chỉ đáp ứng tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm nhưng thực chất trình độ của nhiều người không tương xứng bằng cấp họ có.
Do không thạo việc nên thường khó giải quyết nhanh chóng việc cho dân, cũng ít khi tham mưu cho cấp trên những chủ trương tốt. Do công chức thực thi công việc không thạo việc, đồng thời phân cấp, phân nhiệm thiếu triệt để, rõ ràng nên xảy ra tình trạng cấp trên phải làm thay việc cấp dưới, tình trạng sa đà vào công việc hành chính khiến nhiều công chức không có thời gian để nghiên cứu, quyết định các vấn đề bao quát, có ảnh hưởng lâu dài.
Mặt khác vì sa đà vào công việc hành chính nên không đủ thời gian xem xét quyết định các vấn đề, vì vậy có tình trạng người ký trình quan trọng hơn người ký duyệt, dẫn đến lạm quyền.
Từ phân tích trên, ĐB Kim Thúy kiến nghị xây dựng quy chế về đạo đức công vụ công chức làm cơ sở giám sát, đánh giá công chức và xây dựng phương pháp đánh giá công chức trên cơ sở sự hài lòng của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.