Đời sống

Thổi sinh khí mới cho sản phẩm truyền thống

Đình Nguyên 18/09/2024 - 13:48

Chạy xuôi theo bờ sông Đuống, đến địa phận phường Song Hồ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, hỏi thăm về nghệ nhân Phùng Đình Giáp (sinh năm 1954) thì chẳng mấy ai không biết.

Ông Giáp và vợ là bà Nguyễn Thị Điểu được biết đến là gia đình cuối cùng của làng Hồ còn đắm đuối với nghề làm phỗng đất do ông cha truyền lại. Ở tuổi xưa nay hiếm, nghệ nhân Phùng Đình Giáp chỉ mong nghề mãi tồn tại, để lưu giữ lại cho thế hệ sau giá trị văn hóa cổ truyền tốt đẹp.

thu-cong1.jpg
Ông Phùng Đình Giáp hướng dẫn thế hệ trẻ làm phỗng đất.

Hơn nửa thế kỷ giữ nghề

Trước khi đến gặp nghệ nhân Phùng Đình Giáp, tôi biết ông qua những bức ảnh chụp tại Phường Bách Nghệ - không gian văn hóa sáng tạo do Trung tâm Nghiên cứu, Phát triển và Ứng dụng sản phẩm làng nghề Việt thành lập. Ngoài ra, ông Phùng Đình Giáp còn trình diễn nghệ thuật nặn phỗng đất ở một số workshop như “Họa Phỗng đất - Điểm mùa Trăng”, “Nặn Phỗng - Sống lại Trung thu xưa”…

Ở tuổi 70, đã có cả thảy chín cháu nội ngoại và một chắt, chứng kiến hết thảy những biến thiên của thời cuộc, ông Giáp nghiệm ra rằng, nghề nặn phỗng đất có một thuở cực thịnh thì ắt cũng có lúc suy. May mắn thay, trong dòng chảy thời gian, nghề vẫn còn và vẫn đang có những người thực sự trân trọng giá trị văn hóa mà nó mang lại.

Hiện tại, làng Hồ đã lên phường nhưng người dân vẫn giữ nếp xưa hay lam hay làm. Ngoài những lúc mùa vụ bận rộn, người dân còn làm dịch vụ, làm tranh dân gian, bồi giấy màu và làm hàng mã.

Nơi đây, từ xưa, ngoài những thứ nghề nói trên, người làng cứ đến dịp Trung thu lại cùng nhau làm phỗng đất. Ông Giáp nhớ như in, mỗi dịp ấy trong xóm, ngoài làng như có hội bởi đây là lúc phỗng đất được mua nhiều nhất. Người làng để các ông phỗng đất vào quang gánh rồi ngược xuôi khắp các chợ miền Bắc.

Phỗng đất theo thương thuyền tới vùng Hà Bắc (nay là Bắc Giang và Bắc Ninh), tới Thăng Long - Kẻ Chợ. Chợ Hồ bên bờ sông Đuống khi ấy lúc nào cũng tấp nập kẻ bán người mua. Những ông phỗng nhỏ rực rỡ sắc màu được bày bán la liệt trên những chiếc mẹt tre cũ. Những đứa trẻ theo mẹ đi chợ, cứ thấy mẹt bày ông phỗng là ánh mắt đứa nào cũng sáng long lanh.

thu-cong2.jpg
Những buổi trình diễn nghệ thuật nặn phỗng đất của nghệ nhân Phùng Đình Giáp được rất nhiều bạn trẻ tham gia.

Công phu nghề nặn phỗng

Nhắc chuyện giữ nghề cha ông truyền lại, nghệ nhân Phùng Đình Giáp bộc bạch: “Từ khi lên bảy, lên tám, tôi đã được cha và ông nội dạy cách nặn phỗng. Những ông phỗng ngộ nghĩnh khiến tôi mê mẩn. Đi bộ đội, xuất ngũ về quê hương, tôi chưa bao giờ quên phỗng. Kể cả khi nghề mai một, tôi vẫn muốn giữ gìn nét đẹp văn hóa của cha ông để lại”.

Để làm ra được một bộ phỗng đất không hề đơn giản, từ công đoạn tìm nguyên liệu đến việc nặn phỗng đều thực hiện hoàn toàn thủ công. Bà Nguyễn Thị Điểu - vợ ông Phùng Đình Giáp chia sẻ, để làm phỗng đất thì điều tiên quyết là phải có đất thó - thứ đất có độ dẻo dai, kết dính được đào ở độ sâu 3m từ đồng ruộng, hoặc ao, hồ sen. Khi đào đến thớ đất thó, người thợ nặn phỗng chỉ chọn và lọc lấy khoảng 20 - 30cm đất có độ mịn, sạch cao nhất.

“Đất thó sau khi được chọn lọc sẽ được đem phơi khô, cho vào cối đập, giã rồi sàng đến khi có độ mịn mát tay, tựa như tinh bột gạo là được” - bà Nguyễn Thị Điểu chia sẻ.

Một bí quyết giúp phỗng đất dù không trải qua bước nung qua lửa nhưng cũng bền bỉ với thời gian được nghệ nhân Phùng Đình Giáp áp dụng suốt hàng chục năm nay, đó là phối trộn đất thó với bột giấy. Theo đó, giấy bản hoặc giấy dó sẽ được ngâm trong nước từ 7 - 10 ngày đến khi chạm vào và thấy mủn hoàn toàn là được. Thứ nước ấy sẽ được trộn với bột đất thó. Người thợ, bằng kinh nghiệm của mình vừa trộn đều tay nhưng đồng thời cũng phải dùng chày đập như trộn bánh giày. Tất cả nguyên liệu phải được thao tác đều tay cho đến khi tất cả quyện lại tới độ dẻo, mịn, dùng tay vê thử mà không dính thì mới đạt yêu cầu.

Sau khi nặn, tạo hình phỗng đất, công đoạn cuối cùng là vẽ màu. Phỗng được phơi khô dưới nắng độ năm hôm cho se lại và hoàn toàn tránh nước, sau đó được phủ lên một lớp hỗn hợp hồ điệp trắng và hồ nếp pha với nước theo tỷ lệ chuẩn, rồi lọc qua khăn cho đến khi thật mịn. Tông màu chủ đạo để tô cho phỗng là đỏ, vàng, xanh, đen. Đây là những gam màu truyền thống, khi vẽ lên sẽ tạo cảm giác thân thuộc.

Theo ông Phùng Đình Giáp, làm phỗng đất không mang lại nhiều giá trị kinh tế. Bởi, một năm phỗng đất chỉ được bán vào dịp lễ Trung thu.

Thay đổi để phù hợp với thời đại

Thật may, phỗng đất tưởng đã bị khuất lấp trong đô thị hiện đại thì nay đã dần hồi sinh. Theo nghệ nhân Phùng Đình Giáp, đến nay không ít người đã tìm đến tận nhà ông để đặt mua. Quý cái tâm huyết với nghề của ông Giáp, có vị khách phương Nam năm nào cũng đặt ông những bộ phỗng đất để về chơi dịp Trung thu. Có người nhìn vào phỗng đất, bảo với ông Giáp rằng họ như thức dậy cả miền ký ức, phỗng đất mang đến phút giây sống chậm lại để thanh lọc tâm hồn, có thêm cảm xúc, năng lượng tích cực... Nghe những tâm sự ấy, ông Giáp càng quyết tâm giữ nghề.

Nghệ nhân Phùng Đình Giáp thường xuyên được mời trình diễn nghề tại Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam hay các hội chợ, triển lãm làng nghề thủ công truyền thống ở các địa phương... Cũng nhờ sự tích cực đó mà nghề làm phỗng đất được nhiều người biết đến.

Một bộ phỗng đất truyền thống gồm năm nhân vật (chim, rùa, người già, trẻ em, Phật). Phỗng chim đại diện cho khát vọng hòa bình, ước mơ bay cao, vươn xa; phỗng rùa gắn với biển cả bao la và sự tích thần Kim Quy, biểu trưng cho tinh thần giữ nước; phỗng người già và trẻ em thể hiện sự nối tiếp của đời người, sự biến thiên theo thời gian. Đặt ở vị trí trung tâm trong bộ năm tượng phỗng là nhân vật phỗng Phật - mang ý nghĩa giáo dục con cháu phải sống đức độ, hiền lành, đúng mực. Năm nhân vật, mỗi thứ đều ẩn tàng giá trị truyền thống, hướng con người đến những nét thiện lành.

Để thích ứng với thị hiếu hiện đại, ông Giáp không gò bó trong một vài hình mẫu truyền thống. Ngoài năm nhân vật phỗng truyền thống, ông còn làm thêm nhiều loại con giống và vật dụng bằng đất thó như 12 con giáp, quần thể chuột đựng nghiên bút, gạt tàn chuột… Nhờ vậy, sản phẩm của ông bán được quanh năm chứ không chỉ xuất hiện trong mỗi dịp Trung thu.

Ông Phùng Đình Giáp chia sẻ, điều ông thấy mừng nhất là người con trai Phùng Đình Khôi và cháu nội Phùng Đình Đạt đều quyết tâm giữ nghề. Nhắc chuyện này, anh Phùng Đình Khôi cho hay, phỗng đất là tâm huyết của bố mẹ và các thế hệ đi trước truyền lại, nên anh sẽ giữ nghề, dù khó khăn vẫn còn bộn bề phía trước.

Rời nhà nghệ nhân Phùng Đình Giáp, tôi nhớ đến phút suy tư thật lâu của người nghệ nhân già trong làn khói tỏa ra từ chiếc điếu bát đã loang vệt thời gian. Ông bảo, phỗng đất không chỉ là một món đồ chơi, mà còn là sản phẩm sinh ra từ đất, chứa đựng giá trị văn hóa truyền thống. Bởi thế, chừng nào còn có những người trẻ đi tìm lại phỗng đất, thì chừng đó cục đất vô tri vẫn sẽ được các thế hệ tiếp theo thổi hồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thổi sinh khí mới cho sản phẩm truyền thống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.