Trong bối cảnh diễn biến thời tiết khó lường, nhưng với sự chăm lo chu đáo của các cấp, ngành, địa phương, Tết Trung thu dành cho trẻ em Thủ đô năm nay càng mang đậm nghĩa tình, sự quan tâm, sẻ chia ấm áp, nhất là với trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Quan tâm bằng hành động thiết thực
Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn thành phố đã chuẩn bị rất nhiều hoạt động đa dạng, đặc sắc vui Tết Trung thu dành cho trẻ em. Tuy nhiên, đến thời điểm giáp Tết Trung thu, trong bối cảnh thời tiết bão lũ khó lường, Hà Nội đã có sự điều chỉnh phù hợp tình hình thực tế.
Chia sẻ kỹ hơn về việc này, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Đinh Hồng Phong nhấn mạnh: “Thực hiện kế hoạch của thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng UBND quận Ba Đình và các đơn vị liên quan gấp rút hoàn thành công tác chuẩn bị để tổ chức “Đêm hội Trăng rằm 2024”. Chính quyền thành phố, các nhà hảo tâm cũng đã chuẩn bị hàng nghìn suất quà giá trị và ý nghĩa tặng trẻ em. Nhưng trước tình hình thiên tai, bão lũ phức tạp, chương trình đã phải chuyển từ hình thức tổ chức tập trung sang hình thức thành lập các đoàn đến thăm hỏi, tặng quà trực tiếp để bảo đảm an toàn cho các em nhỏ”.
Theo ông Đinh Hồng Phong, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã sớm ban hành hướng dẫn các quận, huyện, thị xã và chỉ đạo các cơ sở nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên địa bàn thành phố tổ chức các hoạt động vui Tết Trung thu cho trẻ em bảo đảm an toàn, vui tươi và đầm ấm. Theo đó, 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tặng quà với tổng kinh phí hơn 6,8 tỷ đồng. Thành phố cũng tổ chức thăm, tặng quà 8 cơ sở trợ giúp xã hội công lập có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em với tổng kinh phí 88 triệu đồng. Đáng chú ý, mặc dù không tổ chức “Đêm hội Trăng rằm 2024” do thiên tai, nhưng thành phố vẫn chuyển tặng 1.000 suất quà cho 1.000 trẻ em.
Bằng sự quan tâm thiết thực, ấm áp nghĩa tình, các chuyến thăm, tặng quà trực tiếp cho trẻ em khẳng định thông điệp “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em”, giúp các em có một Tết Trung thu đáng nhớ, đầm ấm bên gia đình, người thân.
Phát huy hiệu quả nguồn lực từ cộng đồng
Đáng chú ý, bên cạnh nguồn từ ngân sách, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng đã chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đẩy mạnh công tác huy động nguồn lực xã hội hóa cho các hoạt động hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đồng thời, tổ chức nhiều chương trình thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng hỗ trợ các em vươn lên trong cuộc sống và học tập, vận động nguồn lực hỗ trợ các trang thiết bị vui chơi cho trẻ em.
Tính đến ngày 10-9-2024, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội đã vận động được 277 đơn vị, cá nhân ủng hộ, với tổng số tiền mặt và hiện vật đạt gần 7,4 tỷ đồng; hỗ trợ cho 3.735 trẻ em với tổng kinh phí hơn 7,15 tỷ đồng. Dịp Tết Trung thu năm 2024, đơn vị này cũng dành hàng trăm suất quà tặng hỗ trợ trẻ em, tổ chức trao quà cho các em tại cơ sở.
Hiện nay, Hà Nội có hơn 1,96 triệu trẻ em, trong đó có hơn 13 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trên 22 nghìn trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Đồng hành với thành phố trong công tác chăm sóc trẻ em có sự chung tay của rất nhiều tổ chức, cá nhân. Đơn cử trong Tết Trung thu này, Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội đã huy động nguồn lực xã hội hóa, tổ chức các đoàn công tác, vượt bão lũ đến trao quà tại các cơ sở chăm sóc trẻ chuyên biệt.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Cứu trợ trẻ em khuyết tật Hà Nội Bùi Văn Tuấn cho biết: “Chúng tôi dừng tổ chức chương trình vui Tết Trung thu với chủ đề “Trung thu cho em” theo kế hoạch ban đầu, nhằm bảo đảm an toàn cho trẻ em và tập trung khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn Thủ đô. Thay vào đó, Hội tổ chức nhiều đoàn công tác, trực tiếp đến các cơ sở chuyên biệt, trao quà tặng các em nhỏ. Tất cả nhằm giúp các em cảm nhận được sự quan tâm, chung tay của xã hội, tạo điều kiện để các em được đón Tết trông Trăng vui khỏe, hạnh phúc”.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, em Phạm Tiến Đạt (sinh năm 2011, nhà ở xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, hiện là học sinh Trường dạy trẻ khuyết tật huyện Thanh Trì) chia sẻ: “Lớp em có 11 bạn, mỗi bạn một dạng tật khác nhau, nhưng chúng em luôn cảm nhận được sự quan tâm của thầy cô, cộng đồng. Bản thân em luôn háo hức được đến trường. Từ việc nhận được nhiều sự giúp đỡ, các món quà tặng thiết thực, em học được sự thân thiện, gần gũi, chia sẻ trong giao tiếp, giúp đỡ các bạn”.
Có thể nói, dù Tết Trung thu năm 2024 đến trong bối cảnh thời tiết còn nhiều bất lợi, nhưng các em nhỏ luôn nhận được sự quan tâm thiết thực, sẻ chia, ấm áp nghĩa tình từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị và cộng đồng, qua đó giúp các em có một kỳ trung thu ấm áp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.