Cải cách hành chính

Hà Nội: Giải pháp cải thiện các chỉ số về cải cách hành chính phải thực chất, rõ trách nhiệm

Phong Thu 29/08/2024 15:27

Sáng 29-8, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả các chỉ số: Cải cách hành chính (PAR INdex); Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS); Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) của thành phố Hà Nội và giải pháp nâng cao các chỉ số.

z5777925389431_106d3e9d1521f4eabaad55aa0f8e7fdd.jpg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phạm Linh

Dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.

Về phía thành phố Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính thành phố Hà Nội; Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Quí Tiên; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến tới điểm cầu 30 UBND quận, huyện, thị xã; 574 xã, phường, thị trấn và các sở, ngành.

Chuyển biến tích cực, thực chất

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho biết: Thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân và doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 của thành phố có chuyển biến tích cực, thực chất, hiệu quả được Trung ương và người dân, doanh nghiệp ủng hộ và ghi nhận.

u1.jpg
Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh và các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Phạm Linh

Chỉ số cải cách hành chính - PAR INdex năm 2021, 2022, 2023 đứng trong top 10, đặc biệt năm 2022 và năm 2023, PAR INdex của thành phố xếp thứ 3/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, tăng 7 bậc so với năm 2021.

Chỉ số SIPAS của thành phố tiếp tục duy trì năm thứ 5 liên tiếp đạt trên 80%, năm 2023 tăng 9 bậc so với năm 2022, xếp vào nhóm các thành phố trực thuộc Trung ương có Chỉ số hài lòng cao.

Kết quả Chỉ số PCI của Hà Nội năm 2023 đạt 67,15 điểm, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố - tăng 0,41 điểm.

Tuy nhiên nhiều nội dung, tiêu chí các chỉ số PAR INdex, SIPAS, PCI, PGI chưa đạt hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu và kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp.

Các nội dung liên quan đến chính sách phát triển kinh tế, quản trị môi trường, tiếp cận đất đai, việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị có chỉ số thấp.

Chỉ số PCI, PGI có 5/10 chỉ số thành phần giảm bậc trong đó có các chỉ số thành phần xếp thứ hạng rất thấp (“Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự” xếp thứ 62/63; “Tiếp cận đất đai” giảm 2 bậc, xếp thứ 61/63). Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) có sự cải thiện nhưng vẫn xếp ở vị trí 30/63 tỉnh, thành phố.

Vẫn còn những cán bộ, công chức, viên chức có thái độ giao tiếp, ứng xử chưa đúng mực, gây bức xúc đối với công dân, đặc biệt một số lĩnh vực như đầu tư, cấp phép xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,....

Cần tập trung cải thiện các chỉ số

Tại hội nghị, phân tích kết quả Chỉ số PAR INdex, SIPAS của thành phố Hà Nội, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng cho biết: Về Chỉ số SIPAS, năm 2017, Hà Nội đạt 76,53%, xếp hạng ở mức 45/63, năm 2023 đạt 83,57% xếp hạng 21/63. Nhìn chung, kết quả xếp hạng ở mức trung bình so với cả nước.

z5777489671407_683549d55269dd25ce7b030f1493d917.jpg
Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) Phạm Minh Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Linh

Người dân mong muốn nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến (60,24%); nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của công chức trong giải quyết công việc cho nhân dân (60,69%); tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong việc giải quyết công việc cho nhân dân (60,19%)...

Chỉ số PAR INdex năm 2023 của thành phố Hà Nội đạt 91,43%, xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố. Ba năm xếp hạng tốt nhất là năm 2017, 2018, 2019, đều xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; năm 2021 xếp thứ 10/63; và năm tăng bậc nhiều nhất là 2022, tăng 7 bậc, xếp thứ 3/63.

Một số tồn tại của Hà Nội dẫn đến mất điểm ở một số tiêu chí là: Công khai, cập nhật thủ tục hành chính chậm ở một số lĩnh vực; một số nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao nhưng hoàn thành chậm; tình trạng trễ hẹn thủ tục hành chính còn ở cả 3 cấp; giải ngân đầu tư công chưa hoàn thành...

Đồng chí Phạm Minh Hùng đưa ra 9 khuyến nghị về giải pháp nâng cao các chỉ số. Trong đó, cần chấn chỉnh tình trạng đùn đẩy, thiếu trách nhiệm; cải cách hành chính cần triển khai đồng bộ, quyết liệt, bám sát các chỉ đạo của trung ương, ưu tiên các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách; nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước; nâng cao kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu quả xây dựng, thực thi các chính sách mà người dân quan tâm nhiều; đặc biệt, cần đổi mới sáng tạo - Hà Nội cần tiên phong thí điểm mô hình, cách làm mới, hiệu quả.

z5777925389345_d010a0113be705f0682848d870824731.jpg
Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Linh

Phân tích, đánh giá về kết quả Chỉ số PCI và PGI 2023 của thành phố Hà Nội, Phó Tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn cho biết, Hà Nội cần tập trung nỗ lực cải cách ở một số lĩnh vực thuế, đất đai, phòng cháy. Bên cạnh đó, chi phí không chính thức có dấu hiệu giảm, song vẫn ở mức cao.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, để có một môi trường kinh doanh thuận lợi, Hà Nội cần tiếp tục nỗ lực xây dựng chính quyền địa phương thân thiện với người dân và doanh nghiệp; xây dựng các chương trình cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy trình, giảm bớt giấy tờ và tăng cường công khai, minh bạch giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công...

Người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long ghi nhận, đánh giá cao thành phố Hà Nội đã đạt được những kết quả rất tích cực.

Theo Thứ trưởng, thời gian tới, thành phố Hà Nội tiếp tục nghiên cứu đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành; đây là yếu tố đóng vai trò then chốt và quyết định rất lớn đến thành công của cải cách hành chính. Trong đó tập trung đổi mới tư duy, đổi mới công nghệ và đổi mới cách làm, mạnh dạn thí điểm những mô hình, cách làm mới, tạo đột phá về kết quả, hiệu quả trong từng nội dung, lĩnh vực cải cách hành chính.

z5777925389385_08e5ee851d2b29284e7a043df9b69c6b.jpg
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Linh

Tập trung đẩy mạnh việc rà soát, tháo gỡ cơ bản những điểm nghẽn về thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là thể chế liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp. Đặc biệt, cần tiếp tục duy trì và sử dụng có hiệu quả các kết quả Chỉ số cải cách hành chính và Chỉ số hài lòng, để làm cơ sở cho việc ban hành, chỉ đạo triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải đề nghị các địa phương, đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp, với phương châm hành động: “Một mục tiêu, Ba nguyên tắc, Sáu phấn đấu” theo tinh thần “Tầm nhìn mới, Tư duy mới, Toàn cầu”, “Tư duy Thủ đô, Hành động Hà Nội”.

Các địa phương, đơn vị cần thống nhất nhận thức về vị trí và vai trò của cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án 06. Đây là những khâu đột phá quan trọng nhất, hướng tới xây dựng nền hành chính phục vụ với phương châm “Văn minh - Hiện đại - Chuyên nghiệp - Minh bạch - Tinh gọn - Hiệu lực - Hiệu quả”. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, hiệu quả đo lường bằng sự hài lòng của người dân. Chỉ có thể đi tắt đón đầu, phát triển nhanh và bền vững thông qua khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, cải cách hành chính và chuyển đổi số.

Cùng với tính chủ động, đổi mới sáng tạo theo phương châm “Bảy dám” của thành viên UBND thành phố và người đứng đầu các địa phương, đơn vị cũng cần xử lý và thay thế ngay các trường hợp vi phạm, không đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ, không có tinh thần, thái độ, tâm thế phục vụ.

Cùng với đó, tăng cường chuyển đổi số, công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình, triển khai quy trình giải quyết công việc theo phương châm “Bốn không, Ba rõ, Một xuyên suốt”...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Phạm Linh

“Trên cơ sở kết quả đánh giá các chỉ số hôm nay, các đơn vị, địa phương cần đánh giá, xác định rõ những nội dung đã đạt được, những nội dung nào chưa đạt, trách nhiệm thuộc về đơn vị hay cá nhân nào, đồng thời đưa ra giải pháp cụ thể để khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt, cần làm tốt công tác truyền thông để quảng bá những kết quả đã đạt được, cải thiện hình ảnh của chính quyền trong mắt nhân dân và doanh nghiệp”, đồng chí Hà Minh Hải nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Giải pháp cải thiện các chỉ số về cải cách hành chính phải thực chất, rõ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.