Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần lời giải thỏa đáng

Hồng Sơn| 05/09/2011 07:38

(HNM) - Thực tế cho thấy, quá trình hội nhập kinh tế đã tạo điều kiện cho hàng hóa


Tràn ngập hàng ngoại


Hàng hóa xuất xứ nước ngoài vẫn có mặt khá nhiều ở các chợ từ thành thị đến nông thôn.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, hiện lưu lượng hàng hóa thông qua các chợ truyền thống trên phạm vi cả nước vẫn chiếm tỷ trọng lớn và thu hút số đông người tiêu dùng, nhất là ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lượng hàng ngoại, nhất là hàng Trung Quốc đang có xu hướng gia tăng trên thị trường, cạnh tranh khốc liệt với hàng nội. Cá biệt, có chợ chủ yếu bán hàng "ngoại" như chợ Đồng Xuân có 70-90% lượng hàng đang bán vẫn là hàng có xuất xứ Trung Quốc. Ở đây la liệt cặp sách, hàng điện tử, vải, vali, đồ chơi trẻ em, quần áo may sẵn nhập về qua đường biên giới... Đại diện Công ty CP Đồng Xuân cho biết, từ năm 1986 đến nay, cơ cấu xuất xứ hàng hóa tại chợ thay đổi nhanh, với sự xuất hiện rồi từng bước chiếm lĩnh không gian chợ của hàng Trung Quốc. Rất ít hàng Việt trụ được ở đây. Xét rộng hơn, tại một số địa phương, thậm chí đã nảy sinh nếp nghĩ rằng việc cất hàng từ những chợ đầu mối đồng nghĩa với hoạt động mua hàng Trung Quốc về phân phối lại ở các địa điểm xa hơn. Đó là dẫn chứng về việc DN nội có khả năng thua trên "sân nhà".

Người kinh doanh tại một số chợ xác nhận, hàng Trung Quốc thường có mẫu mã bắt mắt, đa dạng, nên hợp nhãn người có nhu cầu khi xem hàng. Mặt khác, không thể phủ nhận là giá bán cũng rẻ hơn so với nhiều loại hàng cùng loại của doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất. Tuy nhiên, lại có một tỷ lệ không nhỏ hàng Trung Quốc không rõ xuất xứ, không đáp ứng được các quy định của cơ quan quản lý, gây ảnh hưởng đến DN nội và người tiêu dùng. Phân tích sâu hơn về pháp lý thì càng đáng ngại, bởi hàng ngoại bán ra ở các chợ vùng xa, nông thôn đã qua nhiều khâu trung chuyển, thậm chí có nguồn gốc là hàng lậu, hàng kém chất lượng nên không có hóa đơn, chứng từ xác nhận tên hàng, phẩm cấp hay nhà sản xuất. Như vậy, người tiêu dùng cứ mua và đương nhiên phải chấp nhận thua thiệt nếu xảy ra tình trạng hàng bị hỏng, kém chất lượng hay ảnh hưởng đến sức khỏe; quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại là một thực tế phải chấp nhận.

Xét về tinh thần "vì hàng nội", phần lớn tiểu thương kinh doanh cho biết, họ cũng mong muốn bán hàng nội, bởi đó là việc làm hữu ích cho xã hội, hỗ trợ DN trong nước, qua đó tạo việc làm cũng như tăng nguồn thu ngân sách. Song, họ cũng thẳng thắn cho rằng không thể ưu tiên bán hàng nội nếu hàng khó bán, bán chậm hoặc có khi là không bán được. Trong khi đó, đa số người mua hàng tại chợ truyền thống lại là người thu nhập trung bình hoặc thấp nên lại luôn lấy giá hàng hóa làm tiêu chí hàng đầu để so sánh, lựa chọn. Thực tế này là thói quen từ lâu, diễn ra hằng ngày và chính là hậu thuẫn cho hàng ngoại thẩm thấu càng sâu, rộng và khuynh đảo tại nhiều chợ.

Giải pháp nào?

Ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty CP Đồng Xuân cho rằng, các bên liên quan nên đặt câu hỏi vì sao hàng tiêu dùng của Trung Quốc chất lượng không cao mà vẫn chiếm được thị phần ngày càng lớn, trở thành "chuyện thường ngày" và đưa ra hai nguyên nhân chủ yếu. Đó là hàng Việt chậm thay đổi về mẫu mã, hình thức đơn điệu, chậm nâng cấp về tác dụng cũng như cải tiến cách sử dụng. Tiếp theo, giá thành hàng của ta thiếu sức cạnh tranh nên người mua chỉ cần thấy chênh lệch vài ngàn đồng/sản phẩm là có thể sẽ quyết định mua loại hàng rẻ hơn. Ngược lại, DN Trung Quốc dồn sức sản xuất hàng chất lượng trung bình, "đánh" mạnh vào tâm lý người tiêu dùng thuộc loại bình dân và tiêu thụ tốt.

Về phía mình, DN trong nước được khuyến cáo cần nhìn thẳng vào sự thật, từ đó quan tâm thỏa đáng, từng bước lấy lòng tin tại chợ truyền thống, chợ nông thôn. Nhìn chung, vẫn còn thời cơ, nhất là với DN vừa và nhỏ để tìm kiếm vị thế xứng đáng trong giới tiêu dùng bình dân. Những đơn vị lớn, có thương hiệu cũng không nên quá say sưa với mục tiêu xuất khẩu mà vô hình trung "nhường sân nhà" cho DN "ngoại" tung hoành. Phải có tâm lý vững vàng, nghiên cứu thấu đáo và tấm lòng ủng hộ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" mà sản xuất, thiết lập mạng lưới phân phối nhằm đưa ra thị trường những mặt hàng tiện dụng, chất lượng phù hợp và giá phải chăng đối với người tiêu dùng.

Về tổng thể, cần có sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ của cơ quan quản lý, DN và ý thức ủng hộ hàng nội của người tiêu dùng. Theo các chuyên gia, thực tiễn cũng đặt ra vấn đề là làm sao minh bạch thông tin, quản lý tốt hàng hóa trên thị trường theo hướng bảo đảm chất lượng, xuất xứ và các quy định theo cam kết khi Việt Nam gia nhập WTO. Tất cả nhằm cân đối hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, DN và người tiêu dùng cũng như tạo dựng, duy trì sự lành mạnh trên thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần lời giải thỏa đáng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.