(HNMO) - Sáng 8-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, phải đánh giá tác động, thực hiện chính sách đồng bộ để giảm giá xăng, dầu.
Về chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) về giảm thuế xăng, dầu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, giá xăng, dầu hiện nay tăng cao, tuy nhiên, nhiều nước xung quanh như Lào, Thái Lan vẫn có giá xăng, dầu cao hơn nước ta. Về việc có giảm thêm thuế xăng, dầu hay không, Bộ trưởng cho rằng thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
“Theo quy định của luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ được quyết định giảm thêm 1.000 đồng/lít nữa, còn nếu muốn giảm tiếp 2.000 đồng/lít thuế bảo vệ môi trường thì lại thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Có giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nữa hay không cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chúng tôi sẽ đánh giá tác động để tham mưu Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội nhằm giảm giá xăng, dầu. Tuy nhiên, chúng ta phải thực hiện chính sách đồng bộ, nếu chỉ giảm thuế mà vẫn để buôn lậu xăng, dầu xảy ra thì vô hình đã đẩy dòng tiền ra nước ngoài”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho rằng, cần đẩy mạnh sản xuất xăng, dầu trong nước để giảm giá nhiên liệu.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, Bộ đã tham mưu Chính phủ đề nghị Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giá, thuế xăng, dầu, nhưng sau khi đối chiếu các quy định của pháp luật thì chỉ Quốc hội mới được quyết định.
Về vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính rà soát lại các loại thuế, phí xăng, dầu thuộc trách nhiệm của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh, cần nghiên cứu toàn diện các công cụ, giải pháp; giá theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước.
Trả lời tranh luận của đại biểu Nguyễn Văn Thân (Đoàn Thái Bình) về giá xăng, dầu, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, xăng, dầu là mặt hàng bình ổn giá, đến một lúc nào đó, Nhà nước sẽ can thiệp để giảm giá. Việc này sẽ có nhiều lợi ích như giảm giá thành sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng, thúc đẩy cạnh tranh... từ đó có tích lũy cho nền kinh tế. “Tuy nhiên, giảm đến mức nào thì cần phải đánh giá tác động”, Bộ trưởng nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.