Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có những quy định rõ hơn

Thúy - Hằng| 30/10/2014 07:14

(HNM) - Nghị định 96/2014/NĐ-CP, ngày 17-10-2014, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng sẽ có hiệu lực từ ngày 12-12-2014. Trong nghị định này, có một số quy định liên quan trực tiếp đến người dân khi thực hiện các giao dịch, dịch vụ ngân hàng.


Anh Đỗ Thế Huỳnh (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng): Cần thành lập đơn vị giám sát độc lập để xử lý ngân hàng vi phạm



Thời gian qua người sử dụng thẻ ATM đã gặp không ít phiền toái do chất lượng dịch vụ chưa bảo đảm. Theo quy định, mỗi lần rút tiền tự động tại máy ATM, khách hàng được rút tối đa 5 triệu đồng, thế nhưng thực tế khi thực hiện giao dịch tại một số điểm trên địa bàn Hà Nội, tôi chỉ rút được 3 triệu, hay 1,5 triệu do cột ATM chỉ có loại tiền mệnh giá thấp mà chính sách của ngân hàng đó lại quy định số tiền tối đa cho mỗi lần rút. Trong khi đó phí mỗi lần giao dịch là không đổi. Ngoài ra, khi muốn giao dịch vào ngày nghỉ, ngày lễ, hoặc sáng thứ hai, tại các máy ATM hầu như không có tiền nên nhiều khách hàng phải qua rất nhiều cây ATM mới rút được tiền. Quy định mới về việc xử phạt nếu ngân hàng để máy ATM hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng là cần thiết nhằm nâng cao được chất lượng phục vụ. Song theo tôi, cùng với việc xử phạt các ngân hàng để máy ATM hết tiền, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần nghiên cứu thành lập một đơn vị kiểm tra, giám sát độc lập để thực hiện nhiệm vụ xử phạt nêu trên, tránh tình trạng để các ngân hàng "vừa đá bóng, vừa thổi còi"!

Bà Tào Thị Chiêm (xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai): Cần nâng cao chất lượng dịch vụ



Những tưởng sau khi khách hàng đã trả phí khi giao dịch bằng thẻ ATM, phí thường niên… thì chất lượng dịch vụ của ngân hàng phải tốt hơn, thế nhưng thực tế cho thấy đâu vẫn hoàn đấy. Theo tôi được biết, tính đến cuối năm 2013, tại Việt Nam có khoảng 15.300 máy ATM và gần 130.000 điểm chấp nhận thanh toán thẻ đã được lắp đặt. Song, nhiều máy ATM được bố trí chưa hợp lý, các ngân hàng chưa quan tâm đến việc sửa chữa máy ATM. Ở các khu vực nội thành, thị xã… máy ATM được bố trí nhiều, nhưng ở các huyện ngoại thành, khu, cụm công nghiệp… các ngân hàng chưa quan tâm đến việc lắp đặt máy ATM nên ít nhiều ảnh hưởng đến việc giao dịch của khách hàng. Đó là chưa kể đến việc nhiều máy ATM thường xuyên báo hết tiền hay ngừng phục vụ để bảo dưỡng… vài ngày liền. Chính phủ ban hành Nghị định 96 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, trong đó quy định mức tiền phạt 15 triệu đồng nếu ngân hàng nào để máy giao dịch tự động (ATM) hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ. Ngoài ra, Nghị định cũng quy định mức phạt từ 10 triệu đến 15 triệu đồng, áp dụng đối với các hành vi như: Để máy ATM ngừng hoạt động 24 giờ không thông báo; lắp đặt, thay đổi địa điểm, chấm dứt hoạt động của máy giao dịch tự động không đúng quy định; đặt máy tại nơi có hệ thống điện không đáp ứng quy định để máy giao dịch tự động nuốt thẻ của khách hàng khi mất điện đột ngột… Với những quy định mới này, hy vọng những phiền toái đối với khách hàng khi sử dụng thẻ ATM sẽ được giải tỏa.

Anh Vũ Hoàng (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm): Không nên quá chú trọng việc phạt khi trước đó chưa động viên, khuyến khích…



Điều 31 của Nghị định quy định: Với các hành vi không thông báo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện tiền giả loại mới, có dấu hiệu tàng trữ, lưu hành, vận chuyển tiền giả… thì sẽ bị phạt cảnh cáo. Với hành vi phát hiện tiền giả nhưng không thu giữ và phát hiện tiền nghi giả nhưng không tạm giữ sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng. Những quy định này khó đi vào thực tiễn. Bởi trên thực tế, khi phát hiện tiền giả, tiền nghi giả nếu có biết đến quy định này cũng sẽ phải đắn đo rằng báo với cơ quan chức năng có an toàn cho mình hay không? Không có công cụ, phương tiện, không có thẩm quyền gì thì liệu có tạm giữ nổi tiền giả, nghi giả… của người đang tàng trữ, lưu thông tiền giả, nghi giả? Vì vậy, Nghị định nên có các quy định cụ thể để động viên, khuyến khích người dân phát hiện tiền giả, giúp cơ quan chức năng thu giữ được tiền giả hơn là chỉ quy trách nhiệm…

Chị Nguyễn Thu Hằng (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông):Quy định chưa rõ, mức phạt còn thấp



Liên quan đến đồng tiền Việt Nam, tại Khoản 3, Điều 31 của Nghị định ghi: "Phạt tiền từ 10 triệu đến 15 triệu đồng đối với hành vi phá hoại, hủy hoại tiền Việt Nam trái pháp luật". Trong cuộc sống, vẫn có những hành vi như: Xé tiền, vò tiền, vứt tiền khi qua cầu, khi gặp người xấu số thiệt mạng trên đường… Vậy, hành vi này có được gọi là phá hoại hay hủy hoại tiền hay không? Tôi nghĩ rằng, cần phải quy định rõ việc hủy hoại, phá hoại số tiền từ bao nhiêu trở lên là vi phạm? Những hành vi liên quan đến tâm linh của người Việt như kể trên rõ ràng là vi phạm quy định, nhưng việc xử phạt những hành vi này là rất khó thực hiện. Bên cạnh đó, với quy định tại Khoản 4, Điều 28 "Phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng đối với hành vi không bảo đảm an toàn, bảo mật hoạt động của máy giao dịch tự động" mức phạt còn thấp, vì đây là những hành vi có thể gây ra những hậu quả lớn cho nhiều người. Nếu quy định mức phạt cao hơn thì các ngân hàng sẽ phải chú trọng áp dụng các biện pháp tối ưu và cẩn trọng hơn để bảo đảm an toàn cho hoạt động của máy ATM.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần có những quy định rõ hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.