Theo quy định pháp luật, đối tượng có hành vi vi phạm hành chính về đất đai, trật tự xây dựng sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí cưỡng chế. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết số chi phí này đều không được thu hồi, hoàn trả vì nhiều lý do khác nhau.
Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những giải pháp khắc phục, hóa giải những bất cập, khó khăn; sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan phù hợp với thực tế hơn...
Nhiều vướng mắc phát sinh
Hằng năm, số vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội không ít, trong số đó, nhiều vụ việc phải thực hiện cưỡng chế để khắc phục hậu quả. Theo quy định, đối tượng vi phạm sẽ phải chi trả toàn bộ chi phí cho hoạt động cưỡng chế, song thực tế, hầu hết các đơn vị tổ chức cưỡng chế đều không thu hồi được số tiền này.
Theo số liệu chưa đầy đủ, năm 2023, trên địa bàn huyện Quốc Oai thực hiện 35 cuộc cưỡng chế với chi phí 288 triệu đồng; huyện Hoài Đức thực hiện khoảng 50 vụ. Các huyện Thanh Trì, Thường Tín tuy không cung cấp số liệu cụ thể nhưng cũng thừa nhận, đơn vị chức năng không thu được chi phí cưỡng chế của người vi phạm.
Là địa phương phải tổ chức đến 5 cuộc cưỡng chế vi phạm đất đai trong năm 2023, công chức địa chính xã Vân Côn (huyện Hoài Đức) Đỗ Văn Quyết cho biết: Xã đều không thu được kinh phí cưỡng chế từ 5 trường hợp này do họ không có lương, không có tài khoản tại các tổ chức tín dụng và cũng không có tài sản giá trị lớn để cơ quan chức năng thu hồi...
Tương tự, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Thanh Trì Bùi Huy Hoàng thông tin: Các vụ cưỡng chế vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện thời gian qua không thu được kinh phí do phần lớn đối tượng đều là lao động tự do, việc xác định nơi làm việc gặp nhiều khó khăn nên không khấu trừ được lương, thu nhập. Bên cạnh đó, việc xác minh nơi mở tài khoản của cá nhân, tổ chức vi phạm để yêu cầu cung cấp thông tin và thực hiện phong tỏa tài khoản gặp nhiều khó khăn… Mặt khác, việc kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để bán đấu giá cũng gặp khó do quy trình, thủ tục phức tạp, mất nhiều thời gian. Phần lớn vi phạm là công trình đơn giản, giá trị kê biên tài sản rất thấp, không phù hợp với việc đấu giá tài sản nên không đủ giá trị khấu trừ…
Phải bảo đảm khả thi
Thông tư số 05/2017/TT-BTC ngày 16-1-2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định, đối tượng bị cưỡng chế phải chịu mọi chi phí cho hoạt động cưỡng chế và có trách nhiệm nộp toàn bộ chi phí cưỡng chế cho cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên, do đối tượng bị cưỡng chế thường không hợp tác, không có tài sản nên các biện pháp áp dụng để thu hồi chi phí cưỡng chế đều khó khả thi. Phần lớn chi phí cưỡng chế vẫn do nguồn ngân sách chi trả...
Để thu hồi được kinh phí cưỡng chế của đối tượng vi phạm, đại diện UBND xã Kim Chung (huyện Hoài Đức) cho rằng cần rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thẩm quyền xử phạt, trình tự, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; việc định danh tài khoản của công dân và có chế tài yêu cầu các ngân hàng phối hợp phải được luật hóa để thực hiện đồng bộ.
Thực tế cho thấy, để hạn chế việc ngân sách phải chi trả cho hoạt động này, biện pháp hiệu quả nhất vẫn phải là ngăn chặn vi phạm ngay từ khi phát sinh. Song, việc này không đơn giản.
“Hiện nay, máy móc hiện đại, chỉ vài tiếng trong đêm, việc dựng nhà xưởng trên đất nông nghiệp đã có thể hoàn thành. Lúc này, việc ngăn chặn là không hiệu quả vì cần thực hiện theo quy trình xử lý vi phạm hành chính với thời gian thông thường phải mất từ 20 ngày đến cả tháng... Do đó, nếu có một quy trình chuẩn, thống nhất trong việc ngăn chặn vi phạm sao cho thật kịp thời và hiệu quả thì sẽ hạn chế được việc phải cưỡng chế”, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hoài Đức Nguyễn Duy Giang nêu ý kiến.
Đồng tình với các ý kiến trên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Tín Lê Văn Quang bổ sung, việc thu kinh phí của đối tượng cưỡng chế nên xem xét theo hướng giao lực lượng công an đôn đốc, thu hồi thì có thể khả thi hơn.
Trong khi đó, theo Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng Bùi Văn Hoa, việc tuyên truyền, vận động đối tượng vi phạm tự giác tháo dỡ công trình vi phạm là một trong những biện pháp quan trọng. Năm 2023, huyện xử lý vi phạm hơn 300 công trình, dù đã ra các quyết định cưỡng chế, song do cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc vận động, tuyên truyền nên tất cả các hộ đã tự giác tháo dỡ.
Thực trạng nêu trên xảy ra khá phổ biến, bao trùm diện rộng, đòi hỏi cơ quan chức năng cần rà soát lại tất cả các vụ cưỡng chế, tìm ra những quy định còn thiếu chặt chẽ, bất cập về xử phạt vi phạm hành chính, từ đó điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi trong thu hồi kinh phí của đối tượng vi phạm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.