Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần có định hướng

An Nhi| 20/12/2018 06:09

(HNM) - Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo kiến trúc nông thôn ở Thủ đô đã có nhiều thay đổi, nhưng bên cạnh mặt tích cực còn có những điểm bất cập.

Đình làng Mông Phụ, xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) đã được cải tạo, bảo tồn kiến trúc truyền thống. Ảnh: Bá Hoạt


Giờ đây, về các vùng nông thôn của Thủ đô, có thể thấy rõ hầu hết đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa, giao thông thuận lợi, nhà cửa khang trang, ít có cảnh đường sá lầy lội hay những căn nhà lá tuềnh toàng…

Tuy nhiên, trên những con đường đã được bê tông hóa, đây đó vẫn có cỏ dại mọc dày, rác chất thành đống, bốc mùi… Nhà 2-3 tầng mọc lên san sát nhưng thiếu trật tự, cái nhô ra cái thụt vào, trang trí lòe loẹt, phá vỡ không gian làng quê nền nã bấy lâu.

Kiến trúc sư Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, kiến trúc nông thôn, đặc biệt là nông thôn Hà Nội, chứa đựng giá trị lịch sử, văn hóa của làng quê Bắc Bộ, làng quê Việt Nam. Xây dựng nông thôn mới không nên và không thể giữ nguyên những gì đã có trong quá khứ, nhưng không có nghĩa là được phép xây dựng tùy tiện, khiến kiến trúc làng giống hệt như phố.

“Nông thôn mới ở Hà Nội cần có kiến trúc riêng, khác với khu vực nội thành và khác với những địa phương khác. Điều này là trách nhiệm của nhà quản lý và giới kiến trúc sư”, kiến trúc sư Lê Văn Lân nói.

Các kiến trúc sư Hà Nội đều chia sẻ rằng, thiết kế kiến trúc một ngôi nhà đẹp, hài hòa ở nông thôn khó hơn nhiều so với ở thành phố. Đó là một “cuộc chiến” dằng dai giữa cái cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, đồng thời phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình.

Kiến trúc sư Trần Trung Hiếu, chuyên viên Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho rằng, để có sự hài hòa về kiến trúc nông thôn mới, cần giải quyết được ba yếu tố: Nét truyền thống, sự đan xen, đổi mới trong bảo tồn. Điều đó có nghĩa, các làng nghề, đình, đền, chùa truyền thống cần được bảo tồn cấu trúc; nhà ở chỉ nên xây dựng với mật độ thấp, theo mô hình nhà nông thôn truyền thống với hệ sinh thái bao quanh.

Để làm được như vậy, trước hết nên có những mẫu nhà điển hình, phù hợp với tiêu chí sinh hoạt ở nông thôn - được các cơ quan chức năng thẩm định đạt yêu cầu - dành cho các hộ dân khi có nhu cầu xây dựng.

Về kiến trúc không gian, kiến trúc sư Nguyễn Thị Hà (Chi hội Kiến trúc sư Hà Tây, Hội Kiến trúc sư Hà Nội) nhận xét, điểm thay đổi dễ nhận thấy trong diện mạo làng quê hiện nay là có đường hoa và đường bích họa. Điển hình như đường hoa dạ yến thảo ở xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) hay đường bích họa tái hiện cảnh làng quê thanh bình ở xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng)…

“Trồng vạt hoa đồng nội trên đường, vẽ bức tranh gần gũi với thiên nhiên, làng quê trên những bức tường bê tông, đó là một cách hóa giải khoảng cách giữa truyền thống và hiện đại hiệu quả”, kiến trúc sư Nguyễn Thị Hà nói.

Trước những bức tường bích họa bắt mắt, những vạt hoa tươi thắm, chắc chắn ý thức giữ gìn cảnh quan, môi trường của mỗi người sẽ được nâng lên. Tuy nhiên, không phải trồng hoa hay vẽ tranh tường ở đâu, như thế nào cũng tạo ra sự hợp lý. Kiến trúc sư Nguyễn Thị Hà gợi ý: Mỗi làng, xã nên mời chuyên gia tư vấn xem trồng hoa gì vừa đẹp vừa dễ chăm sóc, hoặc vẽ tranh về chủ đề nào, ở đâu thì phù hợp, đạt hiệu quả thẩm mỹ.

Về kiến trúc nhà ở, kiến trúc sư Lê Văn Lân đồng tình với việc chung tay thiết kế mô hình nhà kiểu mẫu và sáng kiến sử dụng vật liệu truyền thống đã được xử lý kỹ thuật hiện đại. Ông cho biết, tre - biểu tượng của làng quê Việt Nam, hiện đang được thế giới quan tâm bởi lợi ích bền vững mà chúng mang lại. "Với đặc tính dẻo dai, bền chắc, thân thiện với môi trường, tại sao nông thôn Hà Nội không tận dụng vật liệu này?”, kiến trúc sư Lê Văn Lân bày tỏ.

Việc tạo ra không gian kiến trúc đẹp, môi trường trong lành cho nông thôn Thủ đô đem lại bước tiến trong công tác xây dựng nông thôn mới. Bởi xây dựng nông thôn mới không phải chỉ hoàn thành 19 tiêu chí là xong, mà tạo bước phát triển bền vững mới là đích đến đặt ra. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực kiến thiết và sáng tạo của những người làm kiến trúc, để làng quê truyền thống vẫn tìm thấy mình trong sự phát triển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần có định hướng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.